Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 4 anh chị em nên cuộc sống của chị Ka Sơn (dân tộc Bahnar, làng Djrông, xã A Dơk) rất khó khăn. Học xong lớp 12, chị Ka Sơn phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ làm nông, làm thuê. Năm 24 tuổi, chị lập gia đình nhưng cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định nên phải ở nhờ nhà mẹ khiến khó khăn chồng chất đè nặng lên vai vợ chồng chị.
Cách đây 2 năm, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn tuyển công nhân vào làm tại nhà máy đóng gói (xã Ia Pết) của Dự án trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, chị đã xin vào làm. “Môi trường làm việc ở đây rất tốt. Anh chị em công nhân đều là những người có hoàn cảnh khó khăn như mình nên luôn giúp đỡ nhau. Hiện tại, lương trung bình mỗi tháng của tôi khoảng 6-7 triệu đồng, đủ lo chi tiêu hàng ngày cho gia đình. Chồng tôi có thêm điều kiện chuyên tâm chăm sóc 1 ha cà phê. Điều khiến tôi rất vui là được làm gần nhà, có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái”-chị Ka Sơn bộc bạch.
Khoảng 90% người lao động làm việc tại nhà máy của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn là người dân tộc thiểu số ở huyện Đak Đoa. Ảnh: Hà Duy |
Là một trong những công nhân có thu nhập cao trong nhà máy, sau 3 năm làm việc tại đây, hiện gia đình chị Nguyễn Ngọc Sang (xã Trang) có cuộc sống khá đầy đủ. Chị phấn khởi chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân cho nhà máy. Thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 17-20 triệu đồng. Ngoài thời gian làm việc bình thường, chúng tôi còn chịu khó tăng ca nên thu nhập rất tốt. Không khí làm việc ở đây rất vui, lãnh đạo Công ty quan tâm công nhân và có chế độ thăm hỏi mỗi khi đau ốm. Vợ chồng tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng làm việc và gắn bó lâu dài với Công ty”.
Ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa: “Dự án trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đang triển khai rất hiệu quả trên địa bàn huyện. Dự án đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, nhất là người dân tộc thiểu số. Không những vậy, còn có những đóng góp trong xây dựng hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”.
Với diện tích 216 ha trồng chuối và cây dược liệu tại xã Hneng và Ia Pết (huyện Đak Đoa), Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 600 công nhân, vào mùa thu hoạch cao điểm có thêm khoảng 200 công nhân thời vụ. Ông Lê Hoàng Linh-Giám đốc vùng nguyên liệu Ia Pết-cho biết: “Khoảng 90% công nhân tại nhà máy là người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện Đak Đoa. Khi được tuyển dụng, Công ty dành hơn 1 tháng để đào tạo tay nghề cho họ. Hiện tại, các công nhân đều đáp ứng rất tốt những yêu cầu kỹ thuật trong thu hoạch, xử lý nguyên liệu cũng như đóng gói sản phẩm. Tiền công thấp nhất là 190 ngàn đồng/ngày/người. Công nhân nào chăm chỉ thì cuối tháng còn được thưởng trung bình 300 ngàn đồng/người. Chúng tôi còn thực hiện điều chỉnh lương theo thâm niên cũng như công việc mà công nhân đang phụ trách”.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn là doanh nghiệp đầu tư trồng chuối theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện sản phẩm của Công ty đã xuất sang thị trường các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Qatar, Israel... với sản lượng khoảng 20.000 tấn mỗi năm. Ngoài trồng chuối, Công ty còn trồng xen khoảng 50 ha cây đinh lăng và 10 ha các cây dược liệu khác như: tục đoạn, đảng sâm, sinh địa, đương quy... Toàn bộ diện tích trồng dược liệu đều canh tác theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc, hạn chế sâu bệnh.
Người lao động rất yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy |
Ông Nguyễn Quang Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty-cho hay: Chuối là loại cây trồng rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai. Cách đây 10 năm, tôi cũng đã đầu tư lĩnh vực này ở Campuchia. Tuy nhiên, vận chuyển sản phẩm về các cảng để xuất khẩu thì quá xa, tốn nhiều chi phí. Vì vậy, Công ty đã khảo sát và thấy Gia Lai là vùng rất thích hợp để trồng loại cây này. “Chúng tôi cũng đã có kế hoạch liên kết với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đất chủ yếu do nông dân sở hữu, nên liên kết là cách mà đôi bên cùng có lợi”-ông Quang Anh cho hay.