Kinh tế

Doanh nghiệp

Công ty Thủy điện Ia Ly: Nhiều sáng kiến kỹ thuật mang lại hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được Ban Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều giải pháp, sáng kiến đã được Công ty áp dụng vào thực tiễn, nâng cao năng suất lao động, góp phần vận hành an toàn, liên tục và hiệu quả.

Ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly-cho biết: Hàng năm, Công ty đều phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của toàn thể cán bộ, công nhân viên. Từ năm 2022 đến nay, Công ty có 21 giải pháp, sáng kiến của các tác giả đã được xét duyệt cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cấp cơ sở.

Trong đó, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn đã góp phần phát huy hiệu quả cũng như cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, tăng năng suất lao động, giảm thời gian sửa chữa, bảo dưỡng, sự cố tổ máy và đạt giải thưởng tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống DCS được điều khiển tại Phòng Trung tâm Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đ.Y

Hệ thống DCS được điều khiển tại Phòng Trung tâm Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đ.Y

Nổi bật là sáng kiến “Thiết lập logic điều khiển máy phát diesel dự phòng từ hệ thống điều khiển phân tán (DCS) tự động diesel dự phòng khi mất điện toàn Nhà máy Thủy điện Ia Ly” của nhóm tác giả Đoàn Tiến Cường, Nguyễn Tiến Danh và Nguyễn Công Tám. Sáng kiến này đã đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 11 (2022-2023).

Theo ông Cường, việc khởi động/dừng máy phát diesel và thao tác đóng/cắt các thiết bị trong hệ thống tự dùng 0,4 kV phải thực hiện hoàn toàn thủ công tại chỗ. Khi mất điện toàn Nhà máy Thủy điện Ia Ly, nhân viên vận hành phải thực hiện thao tác lần lượt từng thiết bị tốn khá nhiều thời gian; đồng thời, mất điện toàn nhà máy có thể dẫn đến sự cố lan rộng ảnh hưởng đến an toàn cho người và thiết bị.

“Để khắc phục nhược điểm trên, nhóm đã thiết lập các logic: điều khiển diesel dự phòng từ xa tại hệ thống DCS; điều khiển tự động diesel dự phòng khi mất điện toàn nhà máy; dừng tự động máy phát diesel dự phòng theo tuần tự khi trạm hợp bộ cấp nguồn tự dùng chung cho toàn nhà máy… Nhờ vậy, sáng kiến đã hình thành chuỗi liên kết thực hiện một loạt nhiệm vụ tự động hoàn toàn, thay thế cho công việc của 1 nhân viên vận hành, rút ngắn thời gian thực hiện đồng bộ toàn hệ thống chỉ còn 2-4 phút. Sáng kiến này đang được Công ty áp dụng hiệu quả”-ông Cường thông tin.

Tương tự, sáng kiến “Cải tiến phương pháp bảo dưỡng các dao cách ly 220 kV Nhà máy Thủy điện Sê San 3” của 4 tác giả: Đinh Viết Thiện, Đặng Đức Phố, Nguyễn Tấn Thoại và Nguyễn Ngọc Chín cũng đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 11 (2022-2023).

Ông Đinh Viết Thiện-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Trạm phân phối ngoài trời 220 kV Nhà máy Thủy điện Sê San 3 có tất cả 12 bộ dao cách ly (DCL) được đưa vào vận hành từ năm 2006. Các ổ trục của bàn xoay truyền động DCL được bố trí 2 vòng bi. Thực tế sau thời gian vận hành cho thấy, dưới tác động của môi trường làm việc ngoài trời (nhiệt độ cao, nước mưa, bụi bẩn) đã làm biến chất, khô mỡ các ổ bi trục bàn xoay trụ sứ của DCL dẫn đến tăng độ ma sát tại các ổ trục. Do đó làm tăng moment cản lên trục truyền động của bộ truyền động DCL theo thời gian vận hành. Khi thao tác đóng, cắt cần lực truyền động lớn để thắng được lực cản dẫn đến có thể gãy trục, hư hỏng bánh răng truyền của bộ truyền động DCL.

Ông Nguyễn Ngọc Chín là một trong 4 tác giả đang kiểm tra bảo dưỡng các dao cách ly 220 kV tại Nhà máy thủy điện Sê San 3. Ảnh: Đinh Yến

Ông Nguyễn Ngọc Chín là một trong 4 tác giả đang kiểm tra bảo dưỡng các dao cách ly 220 kV tại Nhà máy thủy điện Sê San 3. Ảnh: Đinh Yến

Để khắc phục khiếm khuyết này, nhóm đã đưa ra giải pháp tăng cường bôi trơn, không cần tháo các trụ sứ (6 trụ cho 1 DCL) ra bảo dưỡng mà thực hiện giải pháp khoan lắp vú mỡ để bơm mỡ chịu nhiệt đầy vào bầu của gối trục bàn xoay truyền động DCL trạm 220 kV. Giải pháp này không cần bảo dưỡng ổ trục bàn xoay DCL, định kỳ đến chu kỳ sửa chữa lớn bơm thêm mỡ mới để đẩy mỡ cũ ra ngoài; đồng thời, tăng cường bôi trơn, giảm thiểu các nguy cơ hư hỏng bộ truyền động DCL.

“Nếu không có giải pháp cải thiện bôi trơn này thì phải tháo tất cả các trụ sứ ra bảo dưỡng mất 3 ngày cho 1 DCL, ảnh hưởng đến thời gian vận hành phát điện của các tổ máy, đặc biệt là các thời điểm cần yêu cầu cung cấp điện cao cho hệ thống cũng như khai thác hiệu quả hồ chứa Sê San 3. Việc thực hiện tháo lắp bảo dưỡng, căn chỉnh phức tạp đòi hỏi thợ tay nghề cao, tiềm ẩn rủi ro nếu công tác sửa chữa không đảm bảo chất lượng. Giải pháp được áp dụng vào sản xuất từ đầu năm 2022”-ông Thiện cho hay.

Trao đổi với P.V, Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly cho biết thêm: “Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của phòng chức năng, Hội đồng Khoa học và công nghệ của Công ty xem xét những giải pháp, sáng kiến hay có thể áp dụng vào thực tiễn. Tiếp đó, Hội đồng sẽ phân công thêm nhân lực hỗ trợ hoặc cấp kinh phí để hoàn thiện giải pháp, sáng kiến. Đến nay, hàng chục sáng kiến, giải pháp của cán bộ, công nhân được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao về kinh tế, góp phần tự động hóa dây chuyền sản xuất, giảm thiểu sự cố, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, vận hành an toàn, liên tục, hiệu quả”.

Có thể bạn quan tâm