(GLO)- Dự kiến ngày 29-11-2022, tổng sản lượng điện của Công ty Thủy điện Ialy đạt 100 tỷ kWh, trong đó, Thủy điện Ialy đạt 75 tỷ 513 triệu kWh, Thủy điện Sê San 3: 19 tỷ 214 triệu kWh và Thủy điện Pleikrông là 5 tỷ 273 triệu kWh. Đây là sự kiện đáng nhớ, ghi dấu cột mốc đặc biệt trong hành trình hơn 22 năm xây dựng và phát triển của đơn vị.
Các thế hệ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty hoàn toàn tự hào bởi với 100 tỷ kWh điện, Ialy đã góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế đất nước, giữ vững an ninh năng lượng, ổn định hệ thống điện lưới quốc gia, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ialy đã thực hiện thành công vai trò là công trình trọng điểm về kinh tế-xã hội, góp phần thay đổi diện mạo, là khởi đầu cho sự nghiệp điện khí hóa trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng.
Đồng tâm vượt khó
Để đạt được 100 tỷ kWh là câu chuyện dài, nếu không muốn nói là cả một hành trình hơn 22 năm gian khổ của các thế hệ CBCNV Ialy. Hành trình đó bắt đầu từ ngày 4-11-1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình thủy điện Ialy. Sau hơn 7 năm xây dựng, trải qua nhiều gian khổ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, thiết bị còn lạc hậu, thiếu thốn, ngày 12-5-2000, tổ máy số 1 chính thức phát điện; đến ngày 12-12-2001, tổ máy cuối cùng (tổ máy số 4) của Thủy điện Ialy hòa lưới. Sau đó là Thủy điện Sê San 3 với 2 tổ máy lần lượt phát điện vào ngày 23-4-2006 và 28-7-2006. Hơn 3 năm sau, ngày 12-5-2009, máy 1 Thủy điện Pleikrông phát điện rồi đến tháng 9 cùng năm, máy 2 hòa lưới.
Đập tràn Thủy điện Ialy. Ảnh: Hòa Carol |
Để đạt được kết quả toàn diện và to lớn đó, không thể không kể đến những khó khăn mà Công ty phải đối diện như: thiết bị công nghệ khá lạc hậu, thiếu đồng bộ, vừa vận hành vừa phải xử lý hỏng hóc, khiếm khuyết; vừa vận hành an toàn, liên tục vừa phải điều tiết thủy văn hợp lý, đúng quy trình, trong khi khí hậu, thời tiết, thiên tai biến đổi theo hướng bất lợi và khó lường; vừa sản xuất vừa đảm bảo quốc phòng-an ninh trong thời điểm tình hình an ninh chính trị trên địa bàn có những diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, muốn vận hành các tổ máy an toàn, liên tục, đạt và vượt sản lượng thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tiêu biểu là các lĩnh vực: sửa chữa, xử lý khiếm khuyết thiết bị; thực hiện vai trò thủy điện đa mục tiêu; chuyển đổi số (CĐS) hiệu quả theo lộ trình EVN; chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương bằng các hoạt động an sinh xã hội.
Nỗ lực xử lý khiếm khuyết thiết bị
Hệ thống thiết bị, công nghệ tại 3 nhà máy Ialy, Sê San 3 và Pleikrông khá phức tạp. Do đa dạng về chủng loại, xuất xứ, thời điểm sản xuất nên tính đồng bộ không cao, nhất là trong những năm đầu đưa vào vận hành. Khi đó, tại Thủy điện Ialy đã xảy ra một số hỏng hóc, sự cố lớn như phát nhiệt thanh dẫn 26 tổ máy H1 vào tháng 2-2004, đứt các gu-dong nắp turbine tổ máy H4 tháng 10-2018, xảy ra tiếng gõ tại khu vực ổ đỡ H1 từ năm 2015, phóng điện thanh dẫn 41-42 tổ máy H3 tháng 1-2019. Tại Nhà máy Sê San 3, cháy cầu nối 2 thanh dẫn 24-34 H1 vào tháng 11-2007, hư hỏng 192 cầu nối mềm của vòng ngắn mạch phía trên, phía dưới roto máy phát tổ máy H2, tháng 11-2007. Nêu vài trường hợp điển hình để thấy những khó khăn trong việc quản lý sửa chữa, khắc phục sự cố, khiếm khuyết. Để đảm bảo cung cấp điện liên tục, khai thác hiệu quả nguồn nước, lãnh đạo và CBCNV Công ty đã tập trung nghiên cứu từng trường hợp rồi xử lý thành công, đưa các tổ máy vận hành an toàn, tin cậy, vừa chi phí thấp vừa khai thác kịp thời nguồn nước.
Thành công này không những giúp CBCNV tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, làm chủ thiết bị công nghệ mà còn là nền tảng để cán bộ, CNV tự tin tham gia xử lý thành công những sự cố tại các nhà máy khác. Tiêu biểu là chủ trì xử lý hư hỏng hệ thống kích từ tổ máy số 7 nhiệt điện Uông Bí; tham gia xử lý sự cố hệ thống điều tốc tổ máy 2 Thủy điện Quảng Trị… góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu Ialy với đồng nghiệp, bạn bè trong và ngoài ngành điện.
Thực hiện tốt vai trò thủy điện đa mục tiêu
Các nhà máy do Công ty quản lý nằm kế tiếp nhau trên bậc thang Sê San, trong đó, hồ chứa Pleikrông và Ialy có dung tích lớn. Ialy là thủy điện lớn nhất trên bậc thang đóng vai trò đa mục tiêu: sản xuất điện, điều tiết thủy văn mùa lũ và cung cấp nước cho hạ du mùa khô. Đây là nhiệm vụ phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan như khí hậu, thời tiết, thiên tai. Điển hình là cơn lũ lịch sử vào ngày 29-9-2009 với lưu lượng điều tiết lũ qua công trình Ialy đến gần 12.000 m3/s so với khả năng xả là 13.700 m3/s. Trong khi đó, yêu cầu tiên quyết và mệnh lệnh là phải đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn hạ du. Đặc biệt là tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn nước để phát điện.
Để làm được điều này, bên cạnh xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai, Công ty đã tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tiết liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng từng hạng mục công trình. Huy động 100% lực lượng ứng trực trong mùa mưa lũ, liên lạc và báo cáo thường xuyên với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai và cơ quan thẩm quyền tại địa phương. Nhờ vậy, 22 năm qua, công tác vận hành hồ chứa, điều tiết thủy văn được Công ty đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Giám đốc Đoàn Tiến Cường triển khai phương án xử lý tiếng gõ tổ máy H1 Thủy điện Ialy. Ảnh: Đinh Yến |
Điểm sáng về chuyển đổi số
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và lộ trình CĐS quốc gia đã làm thay đổi tổng thể, toàn diện cách thức làm việc đến từng cá nhân, tổ chức, nhất là công tác điều hành sản xuất điện trên nền tảng công nghệ số. Công ty Thủy điện Ialy quản lý vận hành 3 nhà máy công nghiệp nên đòi hỏi phải chủ động thích ứng và đưa CĐS thành một nhiệm vụ quan trọng. Từ chủ đề năm 2021 của EVN là “CĐS trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp CĐS trên tất cả các mặt hoạt động. Mục tiêu hướng đến là đã thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về CĐS, thay đổi phương thức làm việc trên môi trường truyền thống trước đây bằng môi trường số, dựa vào nền tảng công nghệ thông tin, internet…
Qua gần 2 năm triển khai, với Công ty Thủy điện Ialy, CĐS là hành trình từ “thay đổi nhận thức” đến “hình thành ý tưởng” và “chuyển hóa vào thực tế” để “mang lại giá trị thực” và trở thành “hơi thở cuộc sống” của mỗi CBCNV. Có thể kể đến một số thành quả tiêu biểu như: 100% số tổ máy của Công ty đã được áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM (bảo trì dựa trên độ tin cậy). Từ năm 2022, toàn bộ danh mục sửa chữa lớn ngoài tổ máy đều được áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo RCM. Xây dựng ứng dụng trên mobile: khảo sát, báo cáo hiện trường phục vụ bảo trì công trình dựa trên thông tin địa lý và hình ảnh hiện trường. Số hóa quy trình xử lý khiếm khuyết thiết bị trên phần mềm PMIS. Số hóa quy trình giám sát, nghiệm thu SCL tự thực hiện trên phần mềm PMIS. Thu thập số liệu thủy văn tự động nhập vào phần mềm PMIS thay cho nhập bằng tay. 80% quy trình nghiệp vụ được số hóa và liên thông, lĩnh vực văn phòng có đến 90% quy trình nghiệp vụ không sử dụng giấy.
Trách nhiệm với cộng đồng
22 năm qua, Công ty luôn thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ đối với Nhà nước thông qua các khoản nộp ngân sách địa phương với gần 10.000 tỷ đồng thuế, phí các loại, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
An sinh xã hội, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng cũng là điểm nổi bật trong hoạt động của doanh nghiệp. Từ nguồn huy động CBCNV đóng góp bằng tiền lương hàng tháng, đơn vị đã thành lập các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì phụ nữ nghèo”, “Trái tim cho em”. Những năm qua, Công ty đã ủng hộ hơn 10 tỷ đồng cho các tổ chức xã hội, giúp đỡ người nghèo, vùng bị thiên tai; xây mới, sửa chữa 33 căn nhà tình nghĩa tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách ở 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum cùng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác.
Trong hành trình xây dựng và phát triển, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, to lớn của EVN, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban quản lý dự án, Ban chuẩn bị sản xuất, Giám đốc Công ty qua các thời kỳ. Bên cạnh đó là những người dân đã nhường mảnh đất nơi gia đình mình sinh sống để thủy điện Ialy, Sê San 3, Pleikrông được xây dựng và phát triển; những người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng 3 thủy điện và các công trình khác trên sông Sê San.
ĐOÀN TIẾN CƯỜNG
Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy