(GLO)- Cách đây hơn 1 năm, Công ty TNHH một thành viên Tuyết Trúc (thôn Phù Cát, xã Ia Vê, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm tiêu đỏ. Với giá bán trên thị trường khoảng 400-450 ngàn đồng/kg, sản phẩm này đã mang lại cho Công ty giá trị kinh tế lớn hơn nhiều lần so với việc xuất bán sản phẩm hạt tiêu thô.
Công ty Tuyết Trúc là doanh nghiệp có thâm niên trong sản xuất và mua bán tiêu xô. Vài năm trở lại đây, nhận thấy việc xuất bán sản phẩm thô mang lại giá trị không lớn, nhất là khi giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh, Công ty đã bắt tay vào phát triển dự án sản xuất hồ tiêu sạch theo quy trình khép kín từ khâu trồng trọt đến thu hái, chế biến. Ban đầu, Công ty tập trung chế biến các sản phẩm tiêu đen, tiêu sọ, tiêu xanh ngâm. Đến năm 2018, để đa dạng sản phẩm cũng như tăng giá trị cho hạt tiêu, Công ty tiếp tục nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm tiêu đỏ. Anh Phan Công Định-Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Tuyết Trúc-cho biết: “Trước tình hình giá hồ tiêu xuống thấp như hiện nay, việc đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ hồ tiêu sẽ góp phần gia tăng giá trị, đồng thời giúp Công ty tìm được hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài Công ty Tuyết Trúc mới chỉ có 1 cơ sở sản xuất tiêu đỏ. Đây thực sự là cơ hội để Công ty phát triển sản phẩm này”.
Sản phẩm tiêu đỏ Tuyết Trúc tham gia Hội chợ triển lãm OCOP Gia Lai lần thứ I tổ chức tại TP. Pleiku vào tháng 12-2019. Ảnh: V.T |
Theo anh Định, tiêu đỏ Tuyết Trúc được chế biến theo phương pháp sấy nóng, nếu nhìn màu sắc sẽ thấy hơi đỏ thẫm, màu không đẹp bằng sản phẩm làm theo phương pháp sấy hồng ngoại hay sấy lạnh nhưng chất lượng lại được khách hàng đánh giá rất cao bởi giữ được vị cay nồng, thơm và ngọt của tiêu chín cây. Trong quá trình vừa làm vừa xây dựng thương hiệu tiêu đỏ Tuyết Trúc, Công ty luôn tuân thủ quy trình chế biến khá khắt khe từ việc chọn lọc cây hồ tiêu chín trên 90% mới hái lựa rồi đem rửa và phơi ráo nước. Sau đó, tiêu được đem vào sấy, phân loại và đóng gói.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, Công ty đã xây dựng được 30 ha hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Ia Vê. Sắp tới, Công ty sẽ liên kết với các hộ dân trên địa bàn trồng khoảng 20 ha nữa theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc liên kết sẽ giúp người dân có đầu ra ổn định còn Công ty có đủ nguồn nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất.
Anh Định cho biết thêm, tiêu đỏ trên thị trường có giá 400-450 ngàn đồng/kg. Vì vậy, việc chế biến sản phẩm tiêu đỏ mang lại giá trị kinh tế lớn hơn gấp nhiều lần so với việc xuất bán thô. Không những vậy, việc trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP để lấy nguyên liệu chế biến tiêu đỏ còn góp phần giúp người dân hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây ô nhiễm nguồn đất, dẫn đến lây bệnh trên vườn cây. Hiện tại, sản phẩm tiêu đỏ Tuyết Trúc đang được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực. Sản lượng tiêu đỏ bán ra của Công ty năm sau luôn cao hơn năm trước.
Chị Trần Thị My (200 Phù Đổng, TP. Pleiku)-chủ đại lý nhận phân phối sản phẩm tiêu đỏ cho Công ty Tuyết Trúc-cho biết: “Đây là sản phẩm mới trên thị trường nên Công ty rất chú trọng đến công tác tiếp cận khách hàng cũng như quảng bá, giới thiệu. Hiện nay, đại lý không chỉ phân phối sản phẩm tiêu đỏ Tuyết Trúc ở trong tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường các tỉnh, thành như: Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…”.
Theo anh Định, hiện nay, Công ty Tuyết Trúc gặp khó khăn về tài chính, xúc tiến thương mại, thiết kế nhận diện thương hiệu… Do đó, Công ty rất mong muốn được ngành chức năng địa phương hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. “Vừa qua, sản phẩm tiêu đỏ Tuyết Trúc đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt 3 sao. Đây là cơ sở để sản phẩm tạo niềm tin đối với khách hàng. Để sản phẩm ngày càng đạt chất lượng cao hơn, Công ty đang đổi mới, cải tiến công nghệ chế biến. Đồng thời, Công ty đầu tư trang bị cơ sở vật chất để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường”-anh Định nói.
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: “Từ khi được mời tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm tiêu đỏ Tuyết Trúc liên tục được củng cố về cả mẫu mã lẫn chất lượng để hoàn thiện hơn về mọi mặt. Công ty Tuyết Trúc là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện chế biến sản phẩm tiêu đỏ. Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ Công ty về đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”.
VŨ THẢO