Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

"Cứ đi, phía trước sẽ có đường"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù bị khiếm thị từ nhỏ, gia đình nghèo khổ nhưng nhiều người đã vượt lên hoàn cảnh với tinh thần lạc quan: “Cứ đi, phía trước sẽ có đường”.
1. Phải đến chiều muộn anh Gyh (42 tuổi, làng Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa) mới trở về nhà sau một ngày đi đào giếng thuê. Biết có khách đến thăm, anh vui lắm. Anh niềm nở mời chúng tôi vào căn nhà xây khang trang và bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình. “Cuộc sống nhiều lúc khó khăn lắm nhưng cứ cố gắng là đứng lên được. Trời không cho mình đôi mắt sáng nhưng lại cho sức khỏe, vì thế, nếu mình bước đi thật vững thì phía trước vẫn có đường”-anh Gyh tâm sự.
Từ triết lý sống đó, sau nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi, được Hội Người mù tỉnh vận động hỗ trợ 30 triệu đồng, năm 2017, anh làm được căn nhà xây trị giá 70 triệu đồng.
 Dù bị khiếm thị nhưng anh Gyh vẫn chăm sóc, thu hoạch cà phê. Ảnh. H. T
Dù bị khiếm thị nhưng anh Gyh vẫn chăm sóc, thu hoạch cà phê. Ảnh. H. T
Lần hồi, anh Gyh chia sẻ: “Năm tôi 10 tuổi, cha bỏ làng đi nơi khác sinh sống. Thời gian sau vì chán nản và cuộc sống khó khăn, mẹ cũng bỏ đi, mặc 6 anh, chị em tự nuôi nhau bữa đói bữa no. Khi trưởng thành, các anh chị đi lấy vợ lấy chồng ở làng xa, còn lại mình tôi sống trong căn nhà tạm bợ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Lúc ấy, tôi sống chủ yếu dựa vào số tiền hỗ trợ của Nhà nước (405.000 đồng/tháng) và sự bao bọc của bà con trong làng bằng những bữa khoai, bữa mì. Sau đó tôi nghĩ, dù không có mắt sáng nhưng trời cho sức khỏe, không thể cứ sống dựa dẫm mãi vào người khác. Tôi quyết định xin đi theo những thanh niên trong làng phụ đào giếng thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ban đầu, tôi phụ quay đất từ dưới giếng lên. Sau một thời gian có kinh nghiệm, tôi xin xuống giếng đào đất để được trả công cao hơn. Và tôi đã làm rất tốt”.
 Nói về việc trồng cà phê, người bình thường trước khi trồng phải dùng thước đo mới thẳng hàng, ngay lối, còn anh Gyh chỉ đo bằng sự cảm nhận qua những bước chân. Vậy mà 4 sào cà phê nhà anh vẫn thẳng hàng tăm tắp. Để có nước tưới cà phê, anh Gyh còn một mình đào giếng. Khi đào sâu xuống 3 mét, anh cứ đu dây xuống đào đầy gàu đất rồi lại đu dây lên quay gàu đất mang đổ đi. Cứ làm ngày làm đêm như thế, cuối cùng anh cũng đào được giếng sâu hơn 25 m, dư nước dùng trong sinh hoạt và nước tưới cho 4 sào cà phê.
Ông Ksor Dam An-Trưởng thôn Tuơh Klah-cho biết: “Dù bị mù, sống một mình nhưng anh Gyh rất chịu khó lao động, vượt lên hoàn cảnh để gầy dựng cho mình một cuộc sống no đủ, điều mà nhiều người mắt sáng cũng không làm được. Ghi nhận những cố gắng của anh, năm 2015, anh Gyh được tỉnh chọn đi dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật toàn quốc giai đoạn 2010-2015. Năm 2017, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen”.
2. Đã 41 năm chị Blenh (làng Groi 1, xã Glar, huyện Đak Đoa) phải sống trong bóng tối. Vậy nhưng chị lại là chỗ dựa cho 5 đứa em trong gia đình. Các em giờ đã có gia đình riêng, còn chị vẫn tiếp tục một mình nuôi mẹ già 89 tuổi suốt ngày đau ốm.
Chị Blenh kể: “Hồi còn nhỏ, nghe mấy em trong nhà tíu tít gọi nhau đi học là tôi khóc hết nước mắt. Nhưng lớn hơn một chút, ý thức được mình khác với người có đôi mắt sáng nên tôi không khóc nữa mà chấp nhận và tiếp tục sống. Tranh thủ mỗi tối, tôi hay ngồi kế bên nghe các em học bài. Nhờ vậy mà đến giờ tôi vẫn thuộc được nhiều bài thơ, bài văn hay!”.
Sống trong cảnh tăm tối, hàng ngày, chị Blenh chỉ biết quẩn quanh với ruộng rẫy. Gia đình có 3 ha cà phê, sau khi tìm hiểu cách mọi người chăm sóc cà phê, chị bắt chước làm theo, trừ việc cắt cành cà phê là không làm được. Nhờ thế, 3 ha cà phê luôn cho sản lượng cao. Với số tiền tích lũy được, chị lại bàn với các em mua thêm đất trồng cà phê. Nhờ vậy, khi có gia đình ra ở riêng, mỗi người em có khoảng 1-2 ha cà phê làm vốn phát triển kinh tế gia đình. Riêng 2,5 ha cà phê của mình, mỗi năm sau khi trừ chi phí chị Blenh dành ra được hơn 100 triệu đồng.
Điều đáng khâm phục là dù khiếm thị nhưng mọi công việc trong nhà chị Blenh đều chu toàn. Từ 4-5 giờ sáng, chị đã tranh thủ lấy nước giọt về nấu cơm. Những việc như đào bồn, chăm sóc, hái cà phê, chị cũng đều làm được. “Tuy mắt không nhìn thấy nhưng mình luôn là một lao động chính trong nhà, có thể tự làm được tất cả mọi việc để không ai phải vất vả vì mình”-chị Blenh tâm sự.
Ông Plêm-Trưởng thôn Groi 1-nhận xét: “Chị Blenh là tấm gương về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, thật đáng để cho bà con trong làng học tập. Bản thân tôi cũng rất cảm phục trước ý chí và nghị lực của chị”.
Hà Tây

Có thể bạn quan tâm