Văn hóa

Cổ học tinh hoa

“Cú hích” từ đề án bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với kinh phí dự kiến gần 16,4 tỷ đồng, đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025” được xem như một “cú hích” nhằm bảo tồn di sản trước những thách thức không nhỏ.

Trong sự tiếp diễn không ngừng của đời sống, những thay đổi đến từ tác động xung quanh là điều tất yếu, trong đó có văn hóa. Những năm qua, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức như: nghi lễ truyền thống, không gian tồn tại (nhà rông, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, rừng...) mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa; nhiều gia đình bán đi những bộ cồng chiêng quý do đời sống khó khăn. Ngoài ra, từ việc chuyển đổi tín ngưỡng dân gian truyền thống sang tôn giáo mới, một số gia đình đồng bào dân tộc tại chỗ đã bỏ lễ hội, cồng chiêng và nhiều phong tục tập quán cộng đồng...

Theo các nhà nghiên cứu, Gia Lai là trung tâm tụ cư của dân tộc Bahnar và Jrai-2 trong số 11 dân tộc được coi là chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó, người Bahnar có số lượng dân cư đứng đầu 7 dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khmer (Nam Á), người Jrai cũng đứng đầu 4 dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo-Polinesian (Nam Đảo) ở Tây Nguyên. Hiện 2 nhóm dân tộc này còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất khu vực Tây Nguyên với trên 4.500 bộ. Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân nhận định: “Bao giờ cũng vậy, văn hóa vùng trung tâm của một tộc người luôn có những nét độc đáo nhất, phát triển rực rỡ, lưu truyền từ đời này sang đời khác, không bị đứt gãy”. Không ngẫu nhiên mà lễ đón bằng của UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại TP. Pleiku vào năm 2006.

Một lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng tại xã Ia O (huyện Ia Grai) năm 2022. Ảnh: Lam Nguyên

Một lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng tại xã Ia O (huyện Ia Grai) năm 2022. Ảnh: Lam Nguyên

Xác định những thách thức và lợi thế trên, ngay từ những ngày đầu năm 2023, đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025” đã được triển khai thông qua Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 12-1 của UBND tỉnh. Mục tiêu chung của đề án là bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương. Đề án chỉ ra nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản gồm: điều tra, nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị độc đáo của di sản. Bên cạnh đó là gìn giữ và phục hồi các sinh hoạt văn hóa ở các nhóm Jrai, Bahnar địa phương nhằm tạo môi trường diễn xướng cồng chiêng trên quan điểm kế thừa.

Đề án cũng đã thông qua 8 nội dung, dự án thành phần gồm: điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar và Jrai; tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai; mở lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho cán bộ cấp huyện, xã. Cùng với hội thảo khoa học kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng, tỉnh tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai định kỳ 2 năm/lần. Hai dự án quan trọng khác là khôi phục Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thông qua việc xây dựng 6 mô hình nhà rông-bến nước ở các địa phương; xây dựng phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai.

Cồng chiêng vẫn thường xuyên được diễn tấu trong một số nghi lễ ở các thôn làng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lam Nguyên

Cồng chiêng vẫn thường xuyên được diễn tấu trong một số nghi lễ ở các thôn làng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lam Nguyên

Hiện nay, hội nhập toàn cầu tạo ra nhiều cơ hội phát triển song cũng dễ làm phai nhạt bản sắc và các giá trị văn hóa. Gìn giữ, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản Không gian văn hóa cồng chiêng là điều cấp thiết nhằm góp phần bảo tồn bản sắc của dân tộc Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngoài nỗ lực nội tại của chủ thể văn hóa là các dân tộc bản địa, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thông qua đề án nói trên là rất cần thiết. Khi được khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, thế hệ kế cận sẽ nhiệt tình chung tay gìn giữ, quảng bá và biến di sản thành tài nguyên du lịch. Tài nguyên này cần được xây dựng, định hình thành “thương hiệu”, để khi nhắc đến du lịch Gia Lai du khách sẽ nghĩ ngay đến một vùng di sản ghi dấu với Festival cồng chiêng, tương tự Festival Hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hay Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak). Di sản khi đó là điểm tựa cho sự phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm