Du lịch

Hành trang lữ hành

Cửa hàng đặc sản Gia Lai chờ dịp đón đầu du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ghé thăm vùng đất nào, du khách cũng đều muốn mua sản phẩm du lịch về làm quà, lý tưởng nhất là đặc sản địa phương. Sự xuất hiện của một số cửa hàng đặc sản tại TP. Pleiku thời gian qua cho thấy sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý du khách của giới kinh doanh. Tuy gặp khó do tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 song các cửa hàng này vẫn duy trì hoạt động để đón đầu cơ hội khi du lịch khôi phục trở lại.


Có lợi thế nằm gần Quảng trường Đại Đoàn Kết, giá cả phải chăng nên dù mới mở hơn 1 năm nay, cửa hàng đặc sản Thu Loan (226 Phan Đình Giót) đã thu hút khá nhiều du khách. Tại đây có khoảng hơn 100 mặt hàng đặc sản địa phương và các sản phẩm OCOP như: thịt bò khô, heo khô Huy Vũ; muối lá é của cơ sở sản xuất Lê Đức Nam; mắc ca, nấm linh chi, nấm lim xanh, mật ong rừng Kbang; các loại tinh dầu của cơ sở An Thiên; tiêu Lệ Chí; măng khô, các nhãn hàng cà phê… Bên cạnh đó là các loại dược liệu của nhiều địa phương trong cả nước: táo mèo, sâm dây, sâm cau, ba kích…

Các mặt hàng đặc sản địa phương được trưng bày tại cửa hàng đặc sản Thu Loan (26 Phan Đình Giót, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên


Theo chị Thái Thị Thu Loan, chiến lược kinh doanh của cửa hàng là phát card visit, tờ rơi đến các hãng taxi, xe ôm công nghệ, lễ tân khách sạn, nhà hàng…, ai giới thiệu khách đến sẽ có hoa hồng. Giá bán cho khách du lịch và người tiêu dùng tại chỗ như nhau, không có tình trạng hét giá. “Dù gặp những khó khăn nhất định do dịch Covid-19 nhưng tôi vẫn duy trì cửa hàng, tận dụng thêm kênh bán hàng online. Nhiều du khách thấy hài lòng với chất lượng sản phẩm còn liên lạc trở lại để đặt hàng”-chị Loan chia sẻ.

Trò chuyện cùng P.V, chị Nguyễn Thị Thu Thúy (TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) kể: Năm 2018, chị có dịp đến Pleiku thăm bà con. Sau những ngày dạo quanh các điểm đến nổi bật trong thành phố, được một người quen giới thiệu, chị ghé cửa hàng Thu Loan mua vài sản phẩm mang về làm quà. “Có nhiều mặt hàng nên tôi chỉ mua thử một ít. Sau đó thấy ngon nên năm nào tôi cũng nhờ gửi hạt điều, mắc ca, măng khô… Giá cả phù hợp với chất lượng. Chắc chắn tôi sẽ còn lên Gia Lai vì đợt đầu cũng chưa thăm thú hết các điểm đến ấn tượng”-chị Thúy cho biết.

Nhiều du khách ghé thăm điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lam Nguyên
Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: “Do lượng khách còn ít, nhu cầu chưa cao nên chưa có nhiều cửa hàng đặc sản địa phương trên địa bàn TP. Pleiku. Tuy nhiên, nếu du lịch phát triển thì số lượng cửa hàng sẽ tăng mạnh, bởi người dân Pleiku học hỏi kinh doanh nhạy bén. Tỉnh có chủ trương hình thành tuyến phố đi bộ vào ban đêm, kinh doanh các mặt hàng đặc sản và sản phẩm du lịch để phục vụ du khách, nhưng còn cần thêm nhiều thời gian”.

Trưng bày đẹp, bắt mắt, nhiều cửa hàng đặc sản khác trên địa bàn TP. Pleiku như: Green Bamboo (cạnh Khách sạn Tre Xanh), Minh Hương (575 Lê Đại Hành), Thiên Lộc (82 Tạ Quang Bửu)… góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, tạo “cơ hội” tiêu tiền cho du khách. Ngoài ra, không thể không kể đến điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai tại Khu du lịch Biển Hồ. Đây là mô hình do Hợp tác xã nông nghiệp liên hiệp Gia Lai khởi xướng, khai trương tháng 10-2020. Tại đây có gần 100 đặc sản địa phương cùng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh được trưng bày, gồm: cà phê, hồ tiêu, mật ong, thịt bò khô, măng khô, mắc ca, cao đinh lăng, đông trùng hạ thảo… Bà Hoàng Thị Ánh-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-bày tỏ: “Gia Lai là điểm đến hàng năm của gia đình tôi. Lần này, ngoài tham quan các danh thắng, tôi thực sự ấn tượng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương tại điểm trưng bày, giới thiệu ở Khu du lịch Biển Hồ. Tôi đã chọn mua một số sản phẩm về sử dụng và làm quà tặng người thân”. Cùng với đặc sản địa phương, nơi này còn có một số mặt hàng lưu niệm như: gùi, tượng nhà mồ thu nhỏ, thổ cẩm... Nhiều du khách thích thú chọn các sản phẩm có chạy chữ, khắc chữ Pleiku, Gia Lai như điểm nhấn đặc biệt lưu lại hành trình khám phá vùng đất cao nguyên.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải hiện nay, chị Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc Hợp tác xã mật ong Phương Di Ia Grai, thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp liên hiệp Gia Lai-cho biết: Điểm trưng bày khai trương khoảng 1 năm thì đã mất đến vài tháng “giẫm chân tại chỗ” do dịch bệnh, trong khi cửa hàng chủ yếu phụ thuộc vào lượng khách đến tham quan Biển Hồ. “Đây là tình hình chung nên phải chấp nhận. Bình thường có 3 nhân viên quản lý cửa hàng, nay chỉ còn 1. Dù vậy, Hợp tác xã vẫn duy trì, đón đầu chờ khi du lịch khởi sắc trở lại”-chị Trần Thị Hoàng Anh nói.

 

 LAM NGUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm