Kinh tế

Doanh nghiệp

Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Chư Păh: Kỳ vọng các dự án mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Các doanh nghiệp dự kiến đăng ký đầu tư dự án vào Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) huyện Chư Păh đang hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Các dự án này không những giúp địa phương lấp đầy phần diện tích còn lại lâu nay để trống tại Cụm CN-TTCN mà còn được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

 Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH một thành viên Thiên Đạt tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh. Ảnh: Minh Nguyễn
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH một thành viên Thiên Đạt tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh. Ảnh: Minh Nguyễn

Cụm CN-TTCN huyện Chư Păh được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng từ năm 2008 và quyết định thành lập năm 2015 với diện tích 53,91 ha. Không chỉ có lợi thế nằm sát quốc lộ 14, giáp với tỉnh Kon Tum, gần TP. Pleiku, nơi đây còn là vị trí có mặt bằng sạch, kỳ vọng thu hút nhiều nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, khoảng 40% diện tích của Cụm CN-TTCN đã được lấp đầy. Gần đây, huyện đón tin vui khi các doanh nghiệp đã đăng ký nhiều dự án đầu tư, dự kiến sẽ lấp đầy diện tích còn lại.

Theo ông Huỳnh Đăng Khoa-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Păh: Sau khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm CN-TTCN, UBND huyện đã huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí hơn 14,2 tỷ đồng để tạo thuận lợi về mặt bằng cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Hệ thống đường giao thông, điện được hoàn thiện đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng cùng tiềm năng phong phú của địa phương về nguồn tài nguyên, khoáng sản, nông sản phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến, vật liệu trang trí, cơ khí chế tạo, thực phẩm, Cụm CN-TTCN được kỳ vọng giúp địa phương phát triển.

“Hiện Cụm CN-TTCN có 7 doanh nghiệp được huyện cho thuê 18,56 đất để xây dựng các nhà máy và đang hoạt động sản xuất theo dự án đầu tư đã đăng ký. Diện tích còn lại hơn 18,63 ha bỏ trống từ nhiều năm nay. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư, trong số này có dự án đã được huyện đề xuất chủ trương, giới thiệu vị trí và tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư. Theo hồ sơ, 7 doanh nghiệp đăng ký dự án vào các lĩnh vực: sản xuất gạch không nung, chế biến dược, dược phẩm, chế biến gỗ, bê tông, bao bì… có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 66 tỷ đồng với diện tích thuê đất gần 19 ha”-ông Khoa thông tin thêm.

Công ty TNHH một thành viên Tân Gia Băng (huyện Chư Prông) là doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án tại Cụm CN-TTCN huyện Chư Păh. Ông Nguyễn Quang Trị-Giám đốc Công ty-cho biết: Đơn vị dự kiến triển khai xây dựng nhà máy sản xuất bao bì giấy và nhựa với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khảo sát vị trí thuê đất 2,5 ha xây dựng nhà xưởng; hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai dự án. “Hiện doanh nghiệp đang lập dự án và đề xuất chủ trương đầu tư với tỉnh. Nếu thủ tục, hồ sơ dự án được thuận lợi, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động xây dựng nhà máy ngay trong quý II-2023”-ông Trị nói.

Trong khi đó, được hỗ trợ các thủ tục pháp lý về đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Thiên Đạt (huyện Chư Păh) đã nhanh chóng đưa dự án sản xuất bột bời lời đi vào hoạt động hơn 1 năm nay. Mỗi năm, đơn vị này xuất khẩu hơn 1.500 tấn bột bời lời, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. Bà Dương Thị Thu Nguyệt-Giám đốc Công ty-cho biết: Ngoài việc được chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thì nguồn nguyên liệu dồi dào trên địa bàn cũng là lý do Công ty chọn đầu tư vào cụm công nghiệp này. Còn ông Phan Thành Trung-đại diện Công ty TNHH Bột nhang Trường Thịnh (tỉnh Kon Tum) cho hay: “Ngoài nguồn nguyên liệu tại chỗ thuận lợi thì cơ sở hạ tầng giao thông, đường điện hoàn thiện đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đây. Mong rằng thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích và thu hút được nhiều doanh nghiệp hơn để tạo việc làm cho người lao động địa phương”.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên khẳng định: Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu-cụm công nghiệp sẽ góp phần phát triển sản xuất công nghiệp của địa phương theo hướng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có. “Quan điểm của huyện là tạo điều kiện về mọi mặt như: giải phóng mặt bằng sạch, hỗ trợ, hướng dẫn các trình tự thủ tục, tạo môi trường đầu tư cởi mở, vận dụng phù hợp các cơ chế chính sách về đầu tư, đất đai để các nhà đầu tư có thể triển khai ngay các dự án. Không chỉ với Cụm CN-TTCN mà ở những địa điểm thuận lợi khác ngoài khu vực này, huyện cũng tạo điều kiện tối đa nếu phù hợp quy hoạch. Bởi khi đến đầu tư thì không chỉ doanh nghiệp có lợi mà huyện cũng được đầu tư về cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh nhấn mạnh.

 

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm