Sức khỏe

Củng cố nền móng của hệ thống y tế - Kỳ 2: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cải thiện trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế cơ sở cũng được quan tâm đúng mức.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp đội ngũ y tế cơ sở thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Y tế thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: N.N

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Y tế thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: N.N

Tăng cường đào tạo, tập huấn

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam, y tế cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhiều năm qua, Sở Y tế luôn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo cho từng vùng, từng cấp độ chăm sóc và từng chuyên khoa.

“Năm 2024, Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh về chế độ, chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao về công tác tại địa phương, cơ sở; đào tạo phát triển nhân lực y tế để phục vụ cho công tác khám-chữa bệnh, phòng-chống dịch.

Năm 2024, Sở Y tế tiếp tục rà soát nhu cầu và ký kết đặt hàng đào tạo với một số trường đại học như: Đại học Tây Nguyên, Đại học Y dược Huế, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh để đào tạo đại học và sau đại học nhằm bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho y tế tỉnh nhà”-Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam, ngoài công tác đào tạo theo nhu cầu, tuyến tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nhằm cập nhật kiến thức mới và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế tuyến xã.

Bên cạnh đó, thực hiện luân phiên 2 chiều: các bác sĩ trung tâm y tế cấp huyện luân phiên 2 ngày/tuần xuống các xã vùng III (chưa có bác sĩ hoặc bác sĩ trẻ mới ra trường) để khám-chữa bệnh cho người dân và hướng dẫn thực hành cho các cán bộ y tế tại chỗ; các bác sĩ của trạm y tế luân phiên 1 tuần/quý lên trung tâm y tế cấp huyện để được đào tạo nâng cao và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Được tập huấn, đào tạo, đội ngũ nhân lực y tế xã có thêm kiến thức, chuyên môn và áp dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Bác sĩ Xa Trung Hiếu-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) cho hay: Hàng năm, đội ngũ y tế cơ sở đều được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo với nhiều lĩnh vực như: tiêm chủng mở rộng, phòng-chống các bệnh truyền nhiễm, phòng-chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trong tháng 5-2024, bác sĩ, nhân viên y tế của Trạm tham gia tập huấn hoạt động phòng-chống bệnh không lây nhiễm và một số kỹ năng khác. Qua tập huấn, cán bộ, nhân viên của Trạm được cập nhật, nâng cao chuyên môn góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân và phòng-chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Ông Lê Văn Trì-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Prông-đánh giá: Đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cơ sở song song với đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế là việc làm rất thiết thực và cơ bản để đáp ứng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

“Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện nói chung, các trạm y tế xã nói riêng đã triển khai thực hiện tốt công tác khám-chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là đối tượng khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Các trạm y tế xã triển khai tốt công tác phòng-chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám-chữa bệnh cho người dân. Các cơ sở điều trị có phương án dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí giường bệnh đảm bảo thu dung, điều trị bệnh nhân.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, các trạm y tế đã triển khai khám-chữa bệnh cho gần 10.000 lượt người; thực hiện tốt công tác tiêm chủng, không để xảy ra trường hợp tai biến, không để xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn”-bác sĩ Trì cho hay.

Không để xảy ra “vùng lõm” về y tế

Xác định y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tỉnh luôn quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống y tế cơ sở, không để xảy ra “vùng lõm” về y tế. Các đơn vị y tế tuyến huyện cũng tranh thủ các nguồn lực để đào tạo, triển khai các dự án nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-chia sẻ: Trung tâm chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế, nhất là tuyến cơ sở. Hàng năm, đơn vị cử viên chức đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cả ngắn hạn và dài hạn để trau dồi kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật của các trạm cũng như đảm bảo đúng quy định về khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Xác định y tế cơ sở có vai trò quan trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm công tác xây dựng và củng cố hệ thống y tế cơ sở, không để vùng lõm về y tế. Ảnh: Như Nguyện

Xác định y tế cơ sở có vai trò quan trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm công tác xây dựng và củng cố hệ thống y tế cơ sở, không để vùng lõm về y tế. Ảnh: Như Nguyện

Gia Lai hiện có 1.166 cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại tuyến xã, trong đó có 179 bác sĩ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 1.295 nhân viên y tế thôn, 2.362 cộng tác viên dân số, 150 cô đỡ thôn bản. Về cơ sở vật chất, tỉnh có 220 trạm y tế xã, hầu hết đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Theo bác sĩ Cẩn, huyện Chư Sê có 15 trạm y tế xã, thị trấn với đội ngũ nhân lực tuyến xã 87 cán bộ, nhân viên, trong đó có 16 bác sĩ.

Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, năm 2023, huyện đã đầu tư xây dựng và sửa chữa 4 trạm y tế. Hiện nay, huyện đã đảm bảo hạ tầng, cơ sở vật chất cho 15 trạm y tế xã, thị trấn với số lượng phòng đảm bảo bố trí đủ từ 9 phòng chức năng trở lên theo quy định của Bộ Y tế.

Song song đó, hàng năm, các trạm được đầu tư trang-thiết bị y tế, nhân viên y tế được đào tạo, tập huấn, qua đó góp phần đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn mỗi xã, không để xảy ra “vùng lõm” vì thiếu cơ sở vật chất, thuốc men, trang-thiết bị, đội ngũ y-bác sĩ.

Tại huyện Ia Grai, tất cả 13 trạm y tế xã, thị trấn đều đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 9/13 trạm y tế có bác sĩ. Bác sĩ Phạm Ngọc Văn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Đối với y tế cơ sở, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất thì nhân lực hết sức quan trọng. Đầu tư nguồn lực y tế đảm bảo chuyên môn sẽ góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu cho người dân.

“Xã xa nhất cách trung tâm huyện gần 50 km. Vì vậy, vấn đề chăm sóc, sơ cấp cứu trước khi chuyển lên tuyến trên có ý nghĩa rất quan trọng. Để làm được điều này thì đòi hỏi phải có nguồn lực y tế đảm bảo. Do đó, ngoài quan tâm tuyển dụng nhân lực y tế chất lượng, đơn vị đồng thời tạo điều kiện để cán bộ viên chức được đào tạo, tập huấn thường xuyên”-bác sĩ Văn nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam cho biết thêm: Cùng với hệ thống y tế nhà nước, tỉnh còn phát triển mạnh hệ thống khám-chữa bệnh y tế tư nhân: phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền, nhà thuốc, quầy thuốc và nhiều dịch vụ y tế khác.

Hệ thống y tế cân bằng hơn giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, qua đó giúp cải thiện tính công bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe, cải thiện tác động tới thực trạng sức khỏe của người dân.

Chất lượng khám-chữa bệnh tại cơ sở ngày càng được nâng lên, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên gần 50% số thẻ đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện.

Có thể bạn quan tâm