Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Củng cố nội lực của làng nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các làng nghề truyền thống thường là ưu tiên của du khách khi đến với một địa phương, sau thắng cảnh và vẻ đẹp thiên nhiên. Do vậy, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống cần được quan tâm phát triển tương xứng.
Cả nước có hàng trăm làng nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề tạo dựng được “thương hiệu” bền vững. Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), làng gốm Chăm cổ nhất Đông Nam Á là một trong số đó. Đến đây, du khách được tham quan, tìm hiểu các công đoạn tạo hình; đồng thời còn có thể tự hoàn thiện sản phẩm của riêng mình dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Như vậy, ngoài thu nhập từ việc sản xuất, mua bán sản phẩm, người dân làng nghề còn có thêm nguồn thu không nhỏ từ dịch vụ du lịch.  
Tại tỉnh ta, một số làng nghề truyền thống nhờ chủ động nguồn nguyên liệu cũng như kết nối được với thị trường tiêu thụ nên có khả năng duy trì như: Hợp tác xã Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar, Làng nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa); Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng xã Ia Ka, Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh); Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang)… Đến thăm các làng nghề này, du khách vừa thỏa mãn tìm hiểu văn hóa địa phương, vừa mua được những sản phẩm độc đáo. Từ sự khởi sắc của các làng nghề, ngành du lịch cũng được hưởng lợi.  
Người dân làng Ngơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) sống khẻo nhờ nghề đan lát. Ảnh: Phương Duyên
Người dân làng Ngơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) sống khỏe nhờ nghề đan lát. Ảnh: Lam Nguyên
Từ vai trò to lớn của các làng nghề truyền thống, ngày 7-7-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Quan điểm chung của chương trình là bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch. Ngoài ra, phấn đấu có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Chương trình cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD… 
Triển khai Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 1761/UBND-NL ngày 8-8, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh”; hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề, sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình OCOP. 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại nghề, làng nghề; tổ chức hoạt động tôn vinh các sản phẩm và nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu; khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền… Các sở, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ các sản phẩm OCOP tiêu biểu của làng nghề tham gia các sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm làng nghề. 
Trên thực tế, bằng tinh thần tự tôn và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân ở Gia Lai đã tích cực truyền nghề, dìu dắt thế hệ sau. Mặt khác, với lợi thế năng động, giỏi kết nối, một số người trẻ ở buôn làng cũng nhanh nhạy trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Dù vậy, không phải làng nghề nào cũng có thể “tự lực cánh sinh” mà rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị liên quan, đúng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Vấn đề là phải sát sao, đến nơi đến chốn, nếu không sẽ rơi vào tình trạng hô hào suông. Năm 2005, đề án “Mỗi làng một nghề” đã từng được đề xuất triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm khôi phục và phát triển làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, qua đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn giá trị truyền thống. Nhưng sau đó là sự im ắng. Có thể giải thích vì nhiều lý do. 
LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm