(GLO)- Khi lúa đã vào kho, người Bahnar ở làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tiến hành lễ cúng để tạ ơn thần linh đã mang đến vụ mùa bội thu và cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Vừa tất bật chuẩn bị lễ vật để tổ chức nghi thức cúng kho lúa, bà Đinh Thị Quyng vừa kể: Mỗi kho sẽ được đổ đầy lúa cho tới khi tràn ra ngưỡng cửa. Người phụ nữ sẽ khóa kho lúa một cách cẩn thận và sắp xếp lễ vật. Tiến hành lễ cúng là người đàn ông trong gia đình. Nếu gia đình nào vắng bóng đàn ông thì sẽ nhờ già làng làm lễ cúng. Người Bahnar tin rằng, thần lúa ban cho con người lương thực và sức khỏe. Vì vậy, hàng năm, mỗi gia đình tổ chức cúng kho lúa 2 lần. Lần thứ nhất là trước khi lấy lúa giống để gieo trồng vụ mới; lần thứ hai là sau khi thu hoạch, đưa lúa về kho.
Lễ vật cúng kho lúa bao gồm: chén cơm mới, 1 con gà, 1 ghè rượu. Chủ tế sẽ dùng gà làm vật tế lễ. Họ pha huyết gà với rượu bôi lên 4 chân cột và trên chốt khóa của kho lúa, sau đó vẩy đều lên hạt lúa với lời khấn: “Hỡi thần lúa, thần kho! Lúa nhà ta đã về đầy kho. Ta bắt đầu xuất lúa kho nhà. Lúa kho lưng xin thần đổ đầy, lúa ăn không cạn. Xin thần lúa cai quản kho để chúng tôi ăn lúa một kho này cho đủ năm giáp vụ. Mong các thần phù hộ cho chủ nhà làm ăn phát đạt, phù hộ cho mọi người mạnh cái tay, khỏe cái chân làm ra lúa thóc đầy kho...”. Khi cúng xong, gia chủ cầu xin các vị thần chứng giám lời cầu nguyện của gia đình. Lúc này, người vợ chọn những hạt gạo thơm ngon nhất để nấu cơm cúng thần lúa. Phía trước mỗi kho lúa, gia chủ cắm 3 ngọn tre tươi giống như cây nêu với ý nghĩa thần lúa sẽ trú ngụ ở đây và cai quản kho lúa giúp họ.
Chị Đinh Thị Văn chuẩn bị lễ vật để tiến hành nghi lễ cúng kho lúa. Ảnh: Trần Dung |
Phía cuối làng, gia đình chị Đinh Thị Văn cũng đang cúng kho lúa. Năm nay, với 3 sào ruộng, chị thu về gần 20 bao lúa. Sau khi gặt, phơi khô, chị Văn đưa lúa đem về kho tích trữ. Đặc biệt, trong kho lúa có 1 ngăn để trữ lúa giống. “Chúng tôi xin thần kho, thần lúa yên tâm ở lại, để gia đình luôn no đủ, không phải thiếu ăn. Đây cũng là dịp để gia đình mời họ hàng, bà con trong làng sum họp, liên hoan, mừng một vụ mùa no đủ”-chị Văn chia sẻ.
Theo già làng Đinh Mưnh, lễ cúng kho lúa của người Bahnar được gọi là Sơmah sum ba, diễn ra vào đầu năm mới. Đây là nghi lễ quan trọng trong đời sống của người Bahnar hàng năm. “Mỗi gia đình ở làng Mơ Hra-Đáp đều có 1-2 kho lúa. Kho lúa được làm giống nhà sàn nhưng nhỏ hơn và có độ rộng khoảng 5-10 m2. Mái kho và vách được làm bằng ván gỗ, tấm nứa đan kín hoặc tôn. Giữa chân kho được gắn 4 tấm ván tròn hoặc bôi lớp dầu trơn để chuột, sóc không trèo lên cắn phá lúa. Lễ cúng kho lúa diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Sau đó, gia chủ mời các gia đình trong làng tới ăn cơm mới, uống rượu ghè”-già làng Đinh Mưnh cho hay.
Người dân làng Mơ Hra-Đáp phấn khởi mừng lúa về đầy kho. Ảnh: Trần Dung |
Ông Đinh Văn Brếch-Trưởng thôn Mơ Hra-Đáp-cho biết: Làng có 209 hộ, trong đó có trên 98% là người Bahnar. Số lượng thóc trong kho thể hiện sự khá giả và khả năng làm kinh tế của chủ nhà. Bởi vậy, lễ cúng kho lúa cầu cho thóc lúa luôn đủ đầy được người dân trong làng duy trì thường xuyên. Để chuẩn bị lễ cúng thật chu đáo, chủ nhà phải họp gia đình để chọn được ngày lành. Sau đó, dọn vệ sinh nhà cửa, kho lúa và chuẩn bị đồ cúng. Thông thường, lễ cúng sẽ được tiến hành vào buổi sáng sớm, không khí trong lành, thoáng đãng.
Trò chuyện cùng P.V, ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-khẳng định: “Lễ cúng kho lúa đầu năm mới là một trong những phong tục truyền thống của người Bahnar. Hoạt động này không chỉ giáo dục mỗi người biết quý trọng thành quả lao động, biết kính trọng ông bà, tổ tiên mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc”.
TRẦN DUNG