Điểm đến Gia Lai

Cùng nhà thơ về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1983, tôi mới về công tác ở Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum được mấy tháng. Một hôm, gặp nhà thơ Văn Công Hùng, anh bảo: “Tớ sắp tháp tùng 2 nhà văn Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Sinh và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đi thực tế sáng tác. Chú muốn theo không?”. Có dịp làm quen với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thì còn gì bằng nữa, vậy là tôi xin theo.
Đường vào huyện Chư Prông hồi đó còn là một lối đất đỏ lọt thỏm giữa 2 bức tường thành cúc quỳ vàng rực. Đến tối, đoàn nghỉ đêm tại một ngôi làng. Gió hú miên man. Hơi lạnh luồn qua kẽ liếp khiến mọi người không thể ngủ được vì quá lạnh, ai nấy co ro bên bếp lửa nói đủ các thứ chuyện chờ trời sáng. Trong những câu chuyện không đầu không cuối đó, anh cán bộ huyện Chư Prông chợt kể về một cán bộ phụ nữ xã có tên là H’Noanh. Cảnh đời éo le của chị làm mọi người xúc động. Đoàn quyết định sáng ra sẽ quay lại làng Bạc (xã Ia Phìn) tìm chị H’Noanh bằng được. Đêm đó, bên ánh lửa chập chờn, mọi người  háo hức hỏi, háo hức ghi chép những điều chị kể...
Không nhớ ngày tháng, chị H’Noanh chỉ biết mình sinh năm 1951. Làng Bạc là làng cách mạng nòi. Căm cái làng Cộng sản, Mỹ-Diệm đã thảm sát làng Bạc. Hôm ấy, cha, cháu và đứa em của H’Noanh đều bị thương. Chứng kiến cảnh ấy, 15 tuổi, mới đứng ngang cây súng trường Mát nhưng H’Noanh quyết tâm làm du kích. Sau khi được đưa vào căn cứ học chữ 9 tháng, H’Noanh trở thành Xã đội phó kiêm Tiểu đội trưởng du kích nữ làng Bạc.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Đó là những năm tháng vô cùng ác liệt. Du kích phải căng mình ra với bao nhiệm vụ: dẫn đường cho bộ đội, chôn mìn đợi xe tăng trên đường 14, phục kích máy bay trực thăng, tăng gia sản xuất... Nếu nói về thành tích, chị chỉ nhớ năm 1968 được cử đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của Mặt trận B3. Cũng năm đó, chị H’Noanh thêm một niềm vui lớn nữa là lấy chồng. Chồng chị là Kpuih Gui, cũng là du kích làng Bạc. Thành tích có thể quên nhưng nỗi đau mất mát thì khó quên được. Chị vẫn nhớ như dao chém cột cái ngày 20-7-1970 ấy... Mới tinh mơ, địch đã đổ quân càn. Anh Gui cùng anh Kpă Dôi giữ đồi Ia Mrá. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Mỗi tiếng súng dội đến, tim H’Noanh như ngừng đập một lần. Rồi tiếng súng tắt. Chị H’Noanh đâu biết lúc đó, Gui và Dôi bắn đến viên đạn cuối cùng thì lao lên dùng dao găm đánh giáp lá cà với chúng. Chiều hôm ấy, khi chiếc trực thăng cuối cùng đến nhặt xác bọn lính, chị mới được đội cho đi tìm chồng. Trên vuông đất khét lẹt mùi thuốc đạn, Gui và Dôi nằm sấp, tay còn nắm chặt chiếc dao găm. Bọn giặc hèn hạ cứa gần đứt cổ Gui cho hả nỗi bất lực trước con người gan góc.
Đầu tang chồng, bụng đang mang đứa con 3 tháng, lại là người chỉ huy du kích, H’Noanh gần như không đứng vững. Quả thật, cũng có lúc chị muốn đổ xuống rồi nhưng cứ nhớ đến cái chết của chồng, sức mạnh ở đâu trong H’Noanh lại trào lên… Đầu năm 1975, Ia Phìn được giải phóng. Những mái tranh mới như màu nắng lũ lượt mọc lên đất cũ. Vui lắm, nhưng sao H’Noanh thấy lòng mình không còn được như xưa. Đêm nằm ôm con, nước mắt chị lại trào ra. Mới 24 tuổi, đường đi còn xa, cha mẹ già, con nhỏ, ai đỡ cùng H’Noanh? Nhưng chị không ngờ, trả lời câu hỏi ấy là Kpuih Bóp-em trai của Kpuih Gui. Bóp bảo: “Tôi muốn thay anh Gui. Để cháu không có cha thì tội lắm!”. Tục nối dây của người Jrai là thế. Không phải H’Noanh phải chịu luật tục. Cái chính là H’Noanh cũng thấy Bóp thật lòng thương mình. Căn nhà ấm lại dần, nhất là khi con H’Dách có thêm em gái. Nhưng rồi tai họa lại một lần nữa đổ xuống đời H’Noanh. Sức đã hao mòn vì đánh giặc, giờ vợ chồng cứ đau ốm liên miên. Sợ nhất là thỉnh thoảng, cả người chị bị sưng lên rồi ngứa, có lúc không cho con bú được. Còn anh Bóp thì sinh chứng đau bụng. Thuốc không có đủ, bệnh cứ nặng dần. Lúc con bé út được hơn mùa rẫy thì anh Bóp về với ông bà.
Nỗi khổ của H’Noanh sau khi anh Bóp mất có kể mấy đêm cũng không hết. Người ta nghĩ lần này chắc chị đổ xuống thật rồi, thế mà lạ, H’Noanh vẫn đứng vững. Người ta không biết nước mắt H’Noanh bây giờ chỉ được chảy vào trong. Nếu H’Noanh đổ thì cha mẹ, 2 đứa con biết níu vào ai. Trừ những ngày làm việc ở xã, từ sáng đến lúc mặt trời hết nắng cứ thấy H’Noanh ngoài rẫy. Cuộc sống lam lũ khiến người ta dường như quên đi một H’Noanh nổi danh đánh giặc thuở nào...
Sau cuộc gặp với chị, đoàn lại tiếp tục hành trình về Ayun Pa. Lại một đêm rét mướt không ngủ được. Trong lúc mọi người đang chuyện vãn thì nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cứ hí hoáy ghi chép. Lúc sau, nhà thơ đề nghị mọi người nghe chị đọc bài thơ mới sáng tác. Hai tiếng thốt gần như đồng thanh “hay quá” cùng bật lên từ mọi người. Một thời gian sau, bài thơ xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đoạt giải cuộc thi thơ năm ấy.
“Em nguyên sơ như đất/Em nguyên sơ như cây/Em nguyên sơ như nắng/Như gió cao nguyên này… Em tự quên chính mình/Những phút thành dũng sĩ/Như núi rừng tự quên/Những phút thành chiến lũy/Lại trở về nguyên sơ/Cái màu xanh bình dị…”. Bài thơ đâu chỉ viết về H’Noanh, nó là hình tượng chung của cả một thế hệ phụ nữ Tây Nguyên. Một thời chưa xa, văn nghệ sĩ vẫn thường có những chuyến đi thực tế sáng tác và những sáng tác để đời của họ thường cháy lên từ hiện thực cuộc sống như thế!
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm