Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Cuộc chuyển đổi ngoạn mục của cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên được tiếp xúc với các sinh hoạt văn hóa liên quan đến cồng chiêng của người Bahnar, Jrai. Theo thời gian, tôi càng nhận ra sự thay đổi lớn lao của loại hình nghệ thuật dân gian này.

Sự tan rã của môi trường

Tôi đến Gia Lai lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, tôi chưa hiểu gì về văn hóa truyền thống Bahnar, Jrai. Mỗi lần tình cờ nghe tiếng chiêng, tôi thường... rùng mình. Với không chỉ riêng tôi khi đó, chiêng chỉ được bà con dùng trong các tang lễ đau buồn.

Hàng chục năm sau chiến tranh, đời sống kinh tế khó khăn, hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian ít có cơ hội để thể hiện, cồng chiêng không được xem trọng. Có lúc, chiêng được định ngang giá với phế liệu đồng nát. Khoảng 20 năm trở lại đây, kinh tế-xã hội Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị mang tính bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc, văn hóa Bahnar, Jrai, trong đó nổi bật là cồng chiêng đã có những bước tiến dài về thành tựu.

Cuối năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã mang đến niềm vui vô bờ cho các dân tộc chủ nhân của cồng chiêng trên dãy Trường Sơn. Quá trình xây dựng hồ sơ rất kỳ công. Là người đi theo đoàn thu thập tư liệu, làm hồ sơ trên địa bàn tỉnh, tôi đã chứng kiến gần như tất cả những gì xảy ra. Ngay vào thời điểm ấy, các nhà chuyên môn đã nhận ra: Trải qua chiến tranh và những năm khó khăn về kinh tế, không gian văn hóa cồng chiêng đã không còn lành lặn như trong môi trường nguyên thủy. Trong khi đó, UNESCO chỉ công nhận “không gian văn hóa” của cồng chiêng, bao gồm tất cả những gì liên quan đến sự tồn tại của nó.

Ông Đinh Chram (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) dạy các em thiếu nhi trong làng đánh cồng chiêng. Ảnh: R'Ô HOK

Ông Đinh Chram (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) dạy các em thiếu nhi trong làng đánh cồng chiêng. Ảnh: R'Ô HOK

Ngày đó, để có những hình ảnh sống động, thuyết phục, phần lớn các nghi lễ liên quan đến cồng chiêng đều được phục dựng. Nhắc lại câu chuyện này, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)-người trực tiếp xây dựng hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên-cho rằng: Sự tan rã của môi trường nguyên thủy là điều đáng tiếc. Nhưng quan trọng hơn là dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm lấy một lối đi, hướng đến việc bảo vệ cho bằng được những giá trị cốt lõi của cồng chiêng.

Cồng chiêng liệu có bị mất?

Câu chuyện sau đó còn khiến nhiều người trăn trở mãi cho đến gần đây. Cùng với sự thay đổi toàn diện nơi buôn làng về cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng, về hệ thống chính trị ở cơ sở, về hạ tầng và các điều kiện khác liên quan đến giáo dục, y tế… sự toàn vẹn của không gian truyền thống, nơi cồng chiêng được sống trong bầu không khí cổ xưa đã mất. Vậy khi không gian cổ truyền không còn thì cồng chiêng có mất không? Không, thực tế đã trả lời điều này. Số lượng cồng chiêng ở Gia Lai về cơ bản vẫn được giữ vững, nếu không muốn nói là tăng thêm. Bên cạnh đó, cồng chiêng đã được sử dụng rộng rãi hơn trước.

Chúng ta từng nghĩ rằng, cồng chiêng vốn chỉ thuộc về những người đàn ông từ trung niên trở lên; chiêng chỉ được đánh trong những sự việc trọng đại của gia đình, dòng họ hoặc cộng đồng, thậm chí trước khi mang chiêng ra tấu, chủ nhân còn cần phải cúng báo cáo với thần linh… Chúng ta cũng từng quan niệm, không thể sân khấu hóa cồng chiêng, không thể mang chiêng ra khỏi buôn làng. Tuy nhiên, văn hóa chưa bao giờ là bất biến. Theo dòng chảy thời gian, không gian văn hóa cồng chiêng đã khác trước, kéo theo sự thay đổi của loại hình nghệ thuật mà nó bao chứa.

Bây giờ, không khó để nghe thấy tiếng chiêng. Từ tang ma, cưới hỏi, mừng nhà rông, bến nước, mừng năm mới hay đóng cửa kho lúa; từ liên hoan văn hóa cấp xã, huyện, tỉnh đến những buổi giao lưu, mừng kỷ niệm… cồng chiêng đều có thể tham gia. Hơn thế, không chỉ phục vụ du khách ở các địa điểm ẩm thực trong tỉnh, cồng chiêng còn có mặt tại các sự kiện lớn của cả nước tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xa hơn là giao lưu cùng bạn bè quốc tế. Ở góc độ trao truyền, cồng chiêng đã đi vào trường học, được thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi yêu thích.

Cồng chiêng ban đầu được mặc định là linh khí, tiếng chiêng là tín hiệu để thông quan, kết nối con người với thần linh. Do vậy, cồng chiêng cần một môi trường hẹp riêng dành cho nó. Qua thời gian, công năng ban đầu của cồng chiêng được mở rộng. Không chỉ phục vụ các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, cồng chiêng từ dè dặt đến mạnh mẽ khẳng định mình tại các hoạt động văn hóa, du lịch. Một cách thật nhẹ nhàng, cồng chiêng chính thức đã được xem như một nhạc cụ phổ biến của người Tây Nguyên. Sự chuyển đổi này rất có ý nghĩa, bởi nếu không cồng chiêng sẽ không còn đất “dụng võ” trong thời đại mới.

Tìm lối đi cho cồng chiêng

Cùng đồng nghiệp thực hiện chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” suốt gần 2 năm qua, tôi nhận ra một điều: Các cộng đồng Bahnar, Jrai mang chiêng lên Pleiku chơi với một tâm thế tự hào rất lớn. Họ đã tự vượt qua rào cản ban đầu ở cộng đồng mình và hòa nhập khá nhanh vào cuộc sống đương đại, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của mình. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ của tối thứ bảy hàng tuần, mỗi cộng đồng làng tham gia hoạt động này đã lấy cồng chiêng là điểm tựa, chủ động xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ khán giả. Ở đó có dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ tre nứa và cả các nghi lễ được phục dựng. Một chi tiết rất đáng chú ý là trang phục, trang sức truyền thống của người Bahnar, Jrai đã thực sự được hồi sinh trong hoạt động này.

Cồng chiêng Gia Lai luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Ảnh: N.Q.T

Cồng chiêng Gia Lai luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Ảnh: N.Q.T

Tất nhiên, cuộc chuyển đổi nào cũng có những điều không trọn vẹn, cần được nhìn nhận để cải thiện. Theo dõi các đoàn nghệ nhân trình diễn cồng chiêng hàng chục năm qua, tôi nhận ra một sự thiếu hụt về số lượng các bài chiêng. Thường thì, bên cạnh các bài “chủ lực” như mừng lúa mới, nhà rông mới, mừng chiến thắng, đâm trâu, bỏ mả, những người chơi chiêng trẻ có xu hướng trình tấu các tiết mục hiện đại, theo đó “Hát mừng Anh hùng Núp” và “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là một ví dụ. Việc này cho thấy: Gia Lai còn thiếu những công trình nghiên cứu, sưu tầm về các bài chiêng cổ, để rồi từ đó các đơn vị chức năng làm cơ sở phổ biến trở lại buôn làng. Nghi lễ liên quan vì lý do nào đó có thể mai một, thậm chí mất đi nhưng phần nghệ thuật của cồng chiêng thì nên được giữ lại. Chúng ta không thể đòi hỏi các buôn làng trở lại đời sống của dăm bảy chục năm trước nhưng gìn giữ những di sản mà tổ tiên người Bahnar, Jrai để lại là điều có thể làm. Với cồng chiêng, đó chính là phần nghệ thuật từng được trình tấu trong các sinh hoạt, lễ nghi xưa.

Trong nhiều năm qua, một số đơn vị đã tổ chức dạy cồng chiêng, thậm chí mở các lớp chỉnh chiêng cho các học viên là người Bahnar, Jrai. Vì không biết đánh chiêng, không biết chỉnh chiêng, nên những người mở lớp đã tìm thuê một số người thạo 2 việc trên làm thay mình. Vì dạy theo lối cầm tay chỉ việc, không có giáo trình, giáo án nên dù con số học viên được cấp giấy chứng nhận có thể đã lên đến hàng ngàn nhưng rất khó để biết nội dung chương trình ra và thực chất năng lực của những người đã hoàn thành khóa học như thế nào. Đây cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm.

Cồng chiêng sau quá trình sử dụng sẽ dần hư hỏng và việc thay thế chúng là đương nhiên. Tây Nguyên đang đứng trước một vấn đề khó trong mua sắm cồng chiêng cấp phát cho buôn làng. Chiêng lạc tiếng có thể chỉnh sửa nhưng nếu đó là những sản phẩm có chất lượng thấp thì câu chuyện về thang âm, điệu thức của cồng chiêng sẽ đi vào ngõ cụt. Người viết bài này từng đề xuất với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền rằng: Để bảo vệ nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nên vào cuộc, bằng cách không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho những người thợ đúc đồng ở Quảng Nam mà còn có cách để giám sát chất lượng kim loại được dùng để tạo nên sản phẩm này.

Cồng chiêng có vị trí như thế nào trong nền văn hóa Tây Nguyên? Câu trả lời thật đơn giản, nếu chúng ta hỏi ngược lại rằng: Văn hóa Tây Nguyên mà không có cồng chiêng thì sẽ như thế nào? Gia Lai đã và đang làm tất cả những gì có thể để duy trì nghệ thuật cồng chiêng, góp phần tích cực vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Tuy vậy, nhu cầu ngày càng phong phú của đời sống vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Hy vọng, những năm tới, cồng chiêng Gia Lai sẽ có thêm nhiều bước tiến mới trong hoạt động.

Có thể bạn quan tâm