Xã hội

Cuộc vận động "5 không, 3 sạch": Dấu ấn phong trào phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với hàng trăm km “con đường hoa”, “hàng rào xanh” cùng những “vườn rau xanh và cây ăn trái”, cuộc vận động “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thực sự làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Cách làm sáng tạo
Yang Trung là xã đầu tiên của huyện Kông Chro đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Xã nghèo ngày nào giờ thay đổi nhiều mặt, cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Trải dài từ vườn nhà ra ngõ xóm là những con đường hoa đua nhau khoe sắc ấn tượng. Thành quả này có sự góp sức không nhỏ của hội viên phụ nữ. Chị Đinh Thị Khen-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Hle Hlang-chia sẻ: “Lần đầu mình nói về cuộc vận động “5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động, nhiều chị em không mấy quan tâm. Sau đó, thay vì tuyên truyền miệng, mình phát động chị em trồng hoa, trồng cây làm hàng rào xanh ngay trước nhà. Thấy quang cảnh đẹp dần lên, nhận thức của nhiều chị em thay đổi và hưởng ứng làm theo. Không chỉ làng Hle Hlang mà nhiều làng khác cũng thi đua trồng cây, hoa, sau 5 năm đã góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới”. Chị Khen càng phấn khởi hơn khi phong trào thực sự đi vào đời sống hội viên. Tới đâu có giống cây, giống hoa gì đẹp, chị em đều xin về trồng, tô màu đường làng ngõ xóm luôn rực rỡ.
Thông qua cuộc vận động “3 sạch”: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, các cấp Hội Phụ nữ còn chủ động cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Phú Thiện, phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới tại 4 làng dân tộc thiểu số vùng căn cứ cách mạng: Pông, Hek, Kinh Pêng, Trớ (xã Chư A Thai) bằng những mô hình mang đậm dấu ấn. Chị em hội viên trồng con đường hoa trước khuôn viên nhà rông của làng Pông, hướng dẫn trên 100 hộ trồng cây ăn quả. Hội LHPN xã xây 2 ngôi nhà mẫu có nhà tiêu hợp vệ sinh, trồng hoa và cây xanh quanh khuôn viên, vệ sinh sạch sẽ không gian sống đảm bảo tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Học tập mô hình này, ngày càng có nhiều “ngôi nhà xanh” xuất hiện, mang đến không gian xanh tươi, thanh bình cho các ngôi làng vùng căn cứ. Tham gia các hoạt động do Hội LHPN xã phát động, chị Đinh H’Chu-làng Pông-cảm nhận: “Mình và chị em bây giờ đã biết trồng rau để ăn, trồng cây tạo bóng mát, vừa có quả ăn. Mình cũng đã di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra xa nhà để không bị ô nhiễm môi trường sống. Bây giờ, phụ nữ các làng đều rất thích trồng hoa và cây xanh để làm đẹp đường làng ngõ xóm, thi đua giữa làng này với làng kia”. Các điển hình thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp nhà cửa, trồng hoa, cây ăn quả, rau sạch trong cuộc vận động được Hội LHPN huyện kịp thời tuyên dương tạo sự phấn chấn để chị em tiếp tục vẽ nên diện mạo mới cho vùng căn cứ cách mạng.
Hội viên phụ nữ huyện Krông Pa có nhiều mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa” góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hội viên phụ nữ huyện Krông Pa có nhiều mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa” góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tại huyện Đak Pơ, cuộc vận động “3 sạch” cũng tạo ra diện mạo mới khắp vùng nông thôn. Là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc tạo ra những “con đường hoa”, “hàng rào xanh” mang đặc trưng riêng, các cấp Hội trong huyện có nhiều cách làm sáng tạo với những con đường hoa giấy, hàng rào cây chuỗi ngọc... Đây là những loại cây dễ trồng, dễ nhân giống nên từ thành công của làng Kuk Kôn (xã An Thành), các làng khác đã học tập nhân rộng mô hình khá thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ-cho biết: “Nói hay không bằng hay làm là cách tuyên truyền cho hội viên phụ nữ, nhất là chị em người dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động. Chúng tôi tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan cho chị em dễ hiểu và dễ thực hiện. Các cấp Hội chọn loại cây, loại hoa phù hợp để tặng phụ nữ một số làng rồi phát động làm điểm. Khi đã có kết quả thì tiếp tục nhân rộng mô hình sang các làng khác”.
Môi trường nhân văn
Từ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm (2016-2021), các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh đã trồng 465 km “con đường hoa”, 35 km “hàng rào xanh” với gần 32.700 hộ tham gia. Đặc biệt, trên 30.600 hộ hội viên dân tộc thiểu số thực hiện thành công mô hình “Mỗi hộ có 1 vườn rau xanh và cây ăn trái”. Hàng chục ngàn hội viên phụ nữ đóng góp ngày công, gần 380 triệu đồng để làm 17,5 km đường bê tông tránh lầy lội vào mùa mưa, giúp đi lại thuận tiện; 217 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch” xây dựng nông thôn mới được thành lập, thu hút trên 15.150 hội viên tham gia.
Con đường hoa của phụ nữ thôn Quỳnh Phú, Ia Rsiơm, huyện Krông Pa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Con đường hoa của hội viên phụ nữ thôn Quỳnh Phú (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa). Ảnh: Hoàng Ngọc
Kết quả triển khai xây dựng 13.614 nhà tiêu hợp vệ sinh được đánh giá là điểm nổi bật của tiêu chí “3 sạch”, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa góp phần thực hiện chủ đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn chỉ đạo tập trung các nguồn lực xây dựng 218 mô hình “Thôn/làng phụ nữ kiểu mẫu” tại 155/220 xã, phường, thị trấn. Từ kết quả triển khai tiêu chí này, các cấp Hội đã tạo được dấu ấn trong hoạt động, thu hút, tập hợp hàng chục ngàn hội viên phụ nữ. Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-đánh giá, mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa” trở thành dấu ấn riêng của phong trào phụ nữ, góp phần quan trọng tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của chính quyền địa phương. Chủ tịch Hội LHPN khẳng định: “Thành công của cuộc vận động chính là sự nỗ lực, đổi mới sáng tạo của các cấp Hội trong việc lựa chọn, đăng ký phần việc cụ thể để triển khai, đồng thời rút kinh nghiệm và kịp thời nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả. Cuộc vận động không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn xây dựng không gian trong lành, nhân văn cho môi trường và cảnh quan tự nhiên. Các mô hình hiện có mặt ở hầu khắp 220 xã, phường, thị trấn, thực hiện một cách chi tiết, từng bước cụ thể và linh hoạt, giúp các cơ sở Hội phát huy tính sáng tạo trong triển khai, lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm