Thời sự - Bình luận

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Phũ phàng một cú chót

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá 13 ngàn đồng mỗi cổ phần Sabeco được ông Vũ Huy Hoàng quyết định 10 ngày trước khi về hưu Và hôm qua, ngày 29.4, cựu Bộ trưởng nhận án 11 năm tù.

 

Nếu được làm lại, liệu cựu Bộ trưởng sẽ vẫn quyết định bán rẻ cổ phần Sabeco vì
Nếu được làm lại, liệu cựu Bộ trưởng sẽ vẫn quyết định bán rẻ cổ phần Sabeco vì "danh dự" để cuối cùng nhận án 11 năm tù? Ảnh:V.Dũng


Phải mở ngoặc nói thêm, cái giá 13 ngàn đồng ấy được quyết, trong khi giá thị trường là 30 ngàn đồng. Và sau khi Sabeco thực hiện các thủ tục, cựu Bộ trưởng lại yêu cầu thoái vốn cho tư nhân.

Như lập luận của cơ quan công tố: Đây chính là sai phạm trực tiếp, là "mấu chốt phát sinh thiệt hại".

“Cú chót” của cựu Bộ trưởng, không những gây thiệt hại mà nó còn phũ phàng phá bỏ tất cả những gì được xây dựng trước đó.

Hãy nhớ là năm 2012, với tư cách là một bộ trưởng, thành viên chính phủ, chính ông Hoàng đã tham gia ban hành các nghị quyết cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh BĐS, tài chính.

Nghị quyết 26 thậm chí yêu cầu: Doanh nghiệp có vốn Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành, nếu đang kinh doanh ngoài ngành thì phải chấm dứt.

Tự mình xây, rồi cũng tự mình phá. Chủ trì cuộc họp quyết định giá bán cổ phần Sabeco thấp hơn nhiều lần so với giá thực tế, 10 ngày trước khi "về vườn", khi biết rõ bản thân không tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương, khi biết chắc đã có chủ trương miễn nhiệm. Đó là gì nếu không phải là làm trái, một cách cố ý.

Trước khi toà nghị án, cựu Bộ trưởng nại rằng, không có hậu quả thiệt hại xảy ra.

Nhưng, nói như đại diện VKS: nếu vụ án không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời chắc chắn nhà nước đã mất quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Và không phải cơ quan công tố không yêu cầu các bị cáo bồi thường là không có thiệt hại. Bởi thực tế, thiệt hại còn nhiều hơn con số cáo trạng nêu.

Án 11 năm tù, cho một quyết định được đưa ra 10 ngày trước khi về "vườn". Đó chính là công lý, để đảm bảo sự công bằng trong việc xử lý. Rằng không một hành vi vi phạm pháp luật nào, dù là ai, cấp nào có thể ngoại lệ với pháp luật.

Trong lời nói cuối trước khi toà nghị án, cựu Bộ trưởng vừa nói về “một bài học đắt giá”, vừa dẫn câu nói của một lãnh đạo “quan trọng nhất là danh dự”, để phân trần rằng vì danh dự mà ông, dù sức khoẻ yếu vẫn cố gắng có mặt tại toà. Rằng, "Cái gì làm sai xin chịu trách nhiệm, còn cái làm đúng thì phải bảo vệ danh dự của mình".

Nhưng nếu tự trọng và danh dự, người ta đã không tranh công đổ lỗi.

Nếu trọng danh dự, người ta không bán rẻ tài sản Nhà nước trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

2.700 tỉ tài sản nhà nước - con số định lượng thiệt hại - nếu không đươc ngăn chặn kịp thời - sẽ là bao nhiêu mồ hôi nước mắt nhân dân?

Liệu dân có chấp nhận thứ danh dự ấy không?

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-phu-phang-mot-cu-chot-904016.ldo
 

Theo Anh Đào  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm