(GLO)- Thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Nhờ đó, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ hội viên CCB đã thoát nghèo và nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Năm 2019, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vốn vay cho hội viên để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 23.000 hộ CCB thuộc 587 tổ tiết kiệm và vay vốn được vay vốn với tổng dư nợ gần 800 tỷ đồng (tăng hơn 40 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019), trong đó có hơn 773 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Nhờ nguồn vốn vay này mà các cấp Hội CCB trong tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng triển khai thực hiện 432 dự án phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo việc làm ổn định cho 11.376 lao động là CCB và con em CCB.
Nhờ được vay vốn, nhiều hội viên CCB đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: H.C |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: “Hội CCB và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ khó khăn ở tổ 4 vay vốn sản xuất. Riêng gia đình tôi được vay 40 triệu đồng để đầu tư cải tạo vườn tạp, mua thêm con giống gia cầm về chăn nuôi. Nhờ được vay vốn ưu đãi mà nhiều gia đình nghèo khó đã có việc làm ổn định, không phải đi vay nặng lãi ở bên ngoài”.
Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội CCB tỉnh-cho hay: “Hưởng ứng phong trào “Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn”, các cấp Hội CCB đang chủ động hướng dẫn hội viên tiếp cận thông tin các chương trình cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ, giúp đỡ người nghèo và các đối tượng người dân tộc thiểu số, nhất là những gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ theo đúng quy định”. Còn ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thì thông tin: “Nhờ thực hiện chặt chẽ công tác phối hợp mà việc vay vốn, sử dụng vốn, thu hồi vốn từ hội viên CCB luôn diễn ra đúng quy trình, hiệu quả thiết thực. Chất lượng các hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội theo đó cũng luôn được nâng cao. Cụ thể, nợ đọng quá hạn bình quân giảm từ 0,18% vào cuối năm 2018 xuống còn 0,13% vào cuối năm 2019. Phát huy những kết quả này, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và các cấp Hội CCB đang tiếp tục đổi mới cung cách hoạt động, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng quá hạn bình quân xuống 0,1% vào cuối năm 2020”.
Cùng với vốn vay tín dụng, các cấp Hội CCB tiếp tục theo dõi, quản lý, giám sát, kiểm tra, đảm bảo hoạt động của các nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm, quỹ nội bộ, Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”... Đến nay, các cấp Hội CCB trong tỉnh phát huy hiệu quả trên 33 tỷ đồng vốn vay Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm (trong đó kênh của Hội CCB Việt Nam chỉ có hơn 1 tỷ đồng, còn lại là của kênh địa phương), hơn 39 tỷ quỹ nội bộ... Các cấp Hội còn hỗ trợ 56 doanh nghiệp, 13 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác xã, 315 trang trại, 4.158 gia trại, gần 1.000 điểm kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ.
Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp, năm 2019, có 459 hộ hội viên CCB thoát nghèo. Tuy vậy, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 1.350 hộ CCB nghèo, 1.660 hộ CCB cận nghèo. Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thời gian tới, các cấp Hội CCB trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, qua đó nâng cao chất lượng đời sống cho gia đình hội viên”.
HOÀNG CƯ