Bạn đọc

Cựu chiến binh Đức Cơ thi đua làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ phong trào thi đua “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”, nhiều cựu chiến binh (CCB) ở huyện Đức Cơ đã trở thành tấm gương sáng trong lao động sản xuất, giúp đỡ đồng chí, đồng đội thoát nghèo.

 

Từ người lính đã trải qua những tháng năm rèn luyện, chiến đấu trong gian khó, khi trở về với đời thường, các CCB luôn nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái lao động sản xuất để thoát nghèo và làm giàu trên quê hương mình. Gia đình CCB Nguyễn Thị Thoa (làng Ia Mang, xã Ia Dơk) là một điển hình. Bà Thoa cho hay: “Để đầu tư phát triển đàn heo theo phương pháp tự nhân giống, heo được nuôi tập trung trong 10 chuồng lớn nhỏ. Bình quân mỗi tháng có một lứa heo thịt được xuất chuồng (dao động từ 8 tạ đến hơn 1 tấn heo hơi). Vì đàn heo được nuôi theo phương pháp tự nhiên, thức ăn chính là bã rượu và cám bắp, cám gạo nên thịt ngon, được nhiều thương lái hỏi mua. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng”.

  Mô hình sản xuất của CCB Kpuih Hleh (làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) mang lại nguồn thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm. Ảnh: V.T
Mô hình sản xuất của CCB Kpuih Hleh (làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) mang lại nguồn thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm. Ảnh: V.T



Tham gia Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi, ông Kpuih Hleh (làng Grôn, xã Ia Kriêng) là một CCB tiêu biểu với mô hình đa canh nhiều loại cây trồng gồm: điều, cao su, hồ tiêu, cà phê kết hợp chăn nuôi bò và dê. Mô hình của gia đình ông Hleh được xem là hiệu quả nhất ở chi hội CCB làng Grôn. Để được như ngày hôm nay, ông Hleh đã tích cực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, trực tiếp tham quan nhiều mô hình kinh tế ở các nơi để học hỏi, từng bước áp dụng vào sản xuất. Ông chia sẻ: “Hiện nay, với vườn cao su hơn 4 ha, sau khi trừ chi phí thuê nhân công, gia đình tôi thu về hơn 1 triệu đồng/ngày. Vườn điều đang kinh doanh 6 ha hàng năm cũng mang về nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài trồng trọt, trong chuồng lúc nào cũng có vài ba chục con dê và hàng chục con bò; tổng cộng mỗi năm mang về cho gia đình tôi nguồn thu khoảng 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn tạo việc làm ổn định và việc làm theo mùa vụ cho nhiều người dân ở địa phương”. Ông Ksor Nil-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Kriêng-cho biết: “Nhiều CCB trong xã có điều kiện về kinh tế nên rất tích cực tham gia hỗ trợ hội viên vay vốn để phát triển sản xuất. Từ kinh nghiệm của bản thân, các CCB đã hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhiều hội viên khác làm theo. Nhờ đó, đến nay, chi hội CCB làng Grôn không còn hội viên nghèo. Nhiều CCB trong xã trở thành tấm gương sáng trong phong trào CCB gương mẫu phát triển kinh tế”.

Năm 2019, các cấp Hội CCB huyện Đức Cơ đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhận ủy thác cho 1.800 hội viên vay với số tiền hơn 63 tỷ đồng để có vốn phát triển sản xuất; xây dựng nguồn quỹ để duy trì hoạt động với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ 331 hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức tham quan mô hình sản xuất giỏi để cán bộ, hội viên học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, từ đó mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Bộ-Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Cơ-nhìn nhận: “Năm 2019, phong trào CCB sản xuất giỏi đã thực sự lan tỏa trong toàn huyện. Hiện nay, số hội viên tham gia Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi là 55 người. Nhiều hội viên có thu nhập từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi không những hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật mà còn giúp các hội viên nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ đó, số hội viên nghèo từ đầu năm là 60 hộ đến nay chỉ còn 27 hộ. Hội phấn đấu thời gian tới sẽ giảm tỷ lệ hội viên nghèo xuống mức thấp nhất, đồng thời vận động hội viên phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái lao động sản xuất, làm giàu trên quê hương mình”.   

THẢO NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm