TN - Đất & Người

Cựu chiến binh và những dấu ấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trở về với cuộc sống đời thường, không ít cựu chiến binh đã mang trên mình những thương tật, song với tinh thần người lính, dám nghĩ dám làm, không lùi bước trước những khó khăn, nhiều cựu chiến binh đã trở thành những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh và tích cực đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng thôn, làng, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương…

Sau khi phục viên trở về quê hương Nam Định, năm 1996, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồng đã quyết định đưa vợ con trở lại mảnh đất Tây Nguyên để lập nghiệp. Bởi trong suốt thời gian cùng với lực lượng thanh niên miền Bắc vào xây dựng vùng kinh tế tại Nông trường Quốc doanh Cao su Chư Prông và tham gia làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông đã nhận thấy Gia Lai là mảnh đất đầy tiềm năng. Với chút vốn liếng ít ỏi mang theo, hàng ngày gia đình ông phải chi tiêu tằn tiện mới có thể trang trải được mọi chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà.

 

Con đường do gia đình cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn đóng góp xây dựng. Ảnh: Phương Dung
Con đường do gia đình cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn đóng góp xây dựng. Ảnh: Phương Dung

Cuộc sống ban đầu của vợ chồng ông  gặp rất nhiều khó khăn, song ông luôn nghĩ: Là người lính thì nhất định không được khuất phục trước những khó khăn! Quyết tâm ấy đã giúp gia đình ông kiên định hơn với sự lựa chọn của mình và bắt tay vào phát triển kinh tế trên vùng đất mới theo mô hình V-A-T. Nhờ chăm chỉ, cần mẫn, chỉ 2 năm sau, gia đình ông đã tích lũy được một số vốn kha khá để mua đất làm nhà, thoát hẳn khỏi cảnh nhà thuê. “An cư” rồi mới “lạc nghiệp”, không lâu sau, gia đình ông đã có thể mua thêm đất xung quanh nhà để lập vườn, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng thêm thu nhập.

Năm 2007, ông mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua thêm đất làm ruộng và đầu tư thêm con giống chăn nuôi với mong muốn phát triển loại hình chăn nuôi theo mô hình trang trại. Sau 17 năm lập nghiệp trên mảnh đất thuộc phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồng giờ đã trở thành một trong những triệu phú với mô hình kinh tế V-A-T hiệu quả, gồm: 3 sào lúa nước hai vụ, 4.000 m2 ao hồ để nuôi cá thương phẩm, 3.000 m2 chuồng trại chăn nuôi heo, gia cầm và một trang trại chăn nuôi heo rừng lai. Hàng năm, gia đình ông thu khoảng 150-200 triệu đồng từ sản xuất, chăn nuôi và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, trang trại của gia đình ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động là con em cựu chiến binh, bản thân ông cũng thường xuyên giúp đỡ hội viên cựu chiến binh nghèo có nhu cầu về con giống…

Cũng là một trong những cựu chiến binh triệu phú với mức thu nhập hàng năm đạt từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng, nhưng ít ai biết rằng, cựu chiến binh Phạm Tiến Lực (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) bắt đầu khởi nghiệp chỉ từ hai bàn tay trắng. Và rôi sau bao năm chật vật với cái khó, cái khổ, hiện ông đã tích lũy cho mình một khối tài sản mà nhiều người mơ ước: 5 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2 ha lúa nước, 3 ha hoa màu; cùng với hệ thống máy móc phục vụ sản xuất và một đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế gia đình, những cựu chiến binh còn luôn nêu cao tính gương mẫu đi đầu, tích cực trong các phong trào của địa phương. Bằng những việc làm cụ thể, nhiều cựu chiến binh đã chung tay, góp sức cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới. Người góp công, góp sức, góp tiền của, thậm chí nhiều cựu chiến binh còn tự nguyện hiến đất, chặt bỏ vườn cây để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, lắp điện thắp sáng… Trong số đó phải nhắc đến những đóng góp không nhỏ của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) và cựu chiến binh Nguyễn Văn Gác (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông).

Ông Tuấn đã đóng góp hơn 161 triệu đồng để làm 500 mét đường giao thông nông thôn và hỗ trợ 145 triệu đồng kéo điện sinh hoạt cho 7 hộ gia đình trong thôn có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điện thắp sáng. Còn gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Gác (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cũng đã xây dựng 2 trạm hạ thế với số tiền 1,2 tỷ đồng để phục vụ sản xuất cho gia đình và hỗ trợ 30 hộ gia đình trong thôn Grang II có điện thắp sáng. Gia đình ông Gác còn ủng hộ 50 triệu đồng để làm 49 cột điện và dây, bóng điện thắp sáng về ban đêm ở trục lộ 663 thôn Grang II; hỗ trợ 32 triệu đồng để sửa chữa hội trường thôn…
 
Bên cạnh đó, còn rất nhiều cựu chiến binh dẫu chưa phải là triệu phú song họ luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong các phong trào tại địa phương. Cựu chiến binh Phạm Ngọc Thanh (huyện Krông Pa) đã tự nguyện hiến đất để làm một con đường dài 200 mét rộng 4 mét; cựu chiến binh Bùi Văn Vương cũng hiến 300 m2 đất để xây dựng nhà mẫu giáo; cựu chiến binh Rơ Mah Ên (huyện Phú Thiện) đã hiến tặng 160 m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn…

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm