Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Cựu chiến binh xã Đak Song nặng lòng với nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ gương mẫu trong cuộc sống, các cựu chiến binh xã Đak Song (huyện Kông Chro) còn là nhân tố tích cực trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Khi dừng chân ở nhà rông làng Kte Kchăng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người đàn ông thoăn thoắt đôi tay, khéo léo đưa những lát nan vào khung, vừa uốn vừa đan. Nghệ nhân Đinh Alêng tiếp đón chúng tôi khi trên tay đang đan dở chiếc gùi. Ông Alêng kể: Từ nhỏ, ông đã theo bố lên rừng chặt lồ ô, mây để đan những vật dụng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Thấy ông ham học hỏi nên bố ông đã chỉ dạy tường tận cách đan lát. Chẳng mấy chốc mà ông nắm thành thục mọi kỹ năng rồi tự đan cho mình những vật dụng cần thiết. Trải qua các mùa rẫy, đôi tay của ông đã tạo được nhiều sản phẩm chất lượng và đẹp mắt.
 

Nghệ nhân Đinh Alêng giới thiệu chiếc gùi của người Bahnar. Ảnh: R'Ô HOK
Nghệ nhân Đinh Alêng giới thiệu chiếc gùi của người Bahnar. Ảnh: R'Ô HOK


Theo ông Alêng, để có được một chiếc gùi đẹp và bền chắc phải mất nhiều thời gian và công đoạn chuẩn bị nguyên liệu; đặc biệt là phải chọn lựa tre, lồ ô già, cây thẳng, việc chẻ, chuốt các sợi nan sao cho đạt tỷ lệ hợp lý, đảm bảo độ mềm và có tính đàn hồi. Ngoài ra, dưới chân đáy chiếc gùi phải gắn thêm 4 thanh gỗ để cứng cáp, không bị lệch, méo khi mang vật dụng nặng. Tùy theo kích thước sản phẩm, thời gian đan cũng khác nhau. Để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, bình quân phải mất 2-3 ngày.

Không chỉ đan phục vụ nhu cầu trong gia đình, ông Alêng còn truyền dạy và tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu đối với nghề truyền thống. Đến nay, làng Kte Kchăng có 6 người là học trò của ông đã thành thục việc đan lát. Em Đinh Hoan chia sẻ: “Sau những buổi học tập ở trường, khi rảnh rỗi, em và các bạn thường tập trung tại nhà rông gặp chú Alêng để được chỉ dạy đan các vật dụng có ích trong gia đình. Em rất thích học đan lát vì nó gần gũi với đời sống. Bây giờ, em đã biết đan cơ bản rồi”.

Tạo nhiều sản phẩm đẹp mắt và bền chắc nên ông Alêng thường xuyên tham gia các hội thi và đạt nhiều giải cao. Năm 2022, ông được Chủ tịch UBND huyện Kông Chro tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ I-2022 do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Alêng được Ban tổ chức tặng giấy chứng nhận là nghệ nhân đan lát xuất sắc nhất. Không chỉ quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Alêng còn gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiện ông Alêng sở hữu 10 ha cây trồng với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Nghệ nhân Đinh Thây truyền dạy cách đánh đàn trưng cho thiếu nhi làng Kte Kchăng, xã Đak Song, huyện Kông Chro. Ảnh: R'Ô HOK
Nghệ nhân Đinh Thây truyền dạy cách đánh đàn t'rưng cho thiếu nhi làng Kte Kchăng, xã Đak Song, huyện Kông Chro. Ảnh: R'Ô HOK


Tiếp xúc với nghệ nhân Đinh Thây (làng Kte Kchăng) đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Song, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước kỹ năng diễn tấu nhạc cụ truyền thống của ông. Ông cho hay: Từ xưa đến nay, người Bahnar thường dùng nứa, lồ ô, quả bầu... để làm ra các loại nhạc cụ như đàn t'rưng, sáo, đàn goong. Âm thanh mộc mạc sâu lắng nên bà con thường đem theo các loại nhạc cụ này lên nương rẫy để giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc, vất vả và xua đuổi chim muông, thú rừng phá hoại mùa màng.

Theo ông Thây, đàn t'rưng có thanh âm đa dạng có thể hòa tấu tất cả các bài hát từ dân ca cho đến hiện đại nên được giới trẻ thích thú. Để làm một chiếc đàn trưng có âm thanh chuẩn xác phải chọn lựa những ống lồ ô già, đốt dài rồi đem về phơi nắng 2-3 tuần cho thật khô, sau đó, gác trên giàn bếp nhằm chống mối mọt. Tiếp đó, dùng dao bén để cắt thành từng khúc thân ống với đường kính 3-4 cm, dài 30-70 cm theo kết cấu của chiếc đàn, sau đó vót chuốt lại cho cẩn thận trước khi nối vào giàn dây.

Tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ I, đoàn của ông Đinh Thây đạt giải ba về nội dung diễn tấu nhạc cụ truyền thống. “Người Bahnar lớn lên trong lời ru, tiếng hát dân ca hòa cùng các nhạc cụ truyền thống. Vậy nên từ nhỏ, tôi rất đam mê chế tác nhạc cụ và quyết tâm theo nghề”-ông Thây bày tỏ.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đinh Nau-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Song-cho biết: Xã Đak Song có nhiều người biết đan lát và làm nhạc cụ truyền thống để phục vụ cho cuộc sống gia đình và cộng đồng. Ngoài giỏi đan lát, chế tác nhạc cụ, nhiều người còn biết chỉnh chiêng, làm nhà sàn, nhà rông. “Ông Alêng và ông Thây nhiều lần đại diện cho địa phương tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức và đạt nhiều giải thưởng. Đối với người dân trong xã, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động và khuyến khích bà con lưu giữ nghề đan lát cũng như việc chế tác nhạc cụ truyền thống, góp phần thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc tại địa phương”-ông Nau cho hay.

 

 R'Ô HOK

 

Có thể bạn quan tâm