Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Cựu du học sinh Anh chia sẻ kinh nghiệm giành học bổng Chevening

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Xin học bổng chính phủ Anh, hai năm liền anh Lê Tuấn Bình đều trượt, phải đến lần cuối thành công mới tới. 
Anh Lê Tuấn Bình (phải) trong buổi chia sẻ trải nghiệm giáo dục tại Anh.
Anh Lê Tuấn Bình (phải) trong buổi chia sẻ trải nghiệm giáo dục tại Anh.
Anh Bình giành học bổng Chevening để học thạc sĩ ngành Chính sách công, Đại học Glasgow, Scotland, khoá 2016-2017. Về nước, anh làm quản lý đầu tư cho một tập đoàn bất động sản Anh.
Chia sẻ tại sự kiện về giáo dục ở nhà riêng Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever, anh Bình cho biết bí quyết giúp anh giành học bổng chỉ bao gồm: hiểu yêu cầu học bổng, kiên trì và nhất quán trong câu chuyện bản thân.
"Ví dụ, trọng tâm yêu cầu là khả năng lãnh đạo thì tất cả bài luận bạn cần tập trung thể hiện mình có tiềm năng lãnh đạo ra sao, việc học tập tại Anh sẽ giúp bạn cải thiện năng lực lãnh đạo thế nào", anh Bình nói.
Anh cho rằng mỗi loại học bổng có những yêu cầu và ưu tiên khác nhau, do đó dù ứng viên có những điểm mạnh khác cũng không nên nói lan man. Lần đầu nộp đơn, anh mới là doanh nhân trẻ, ít kinh nghiệm. Đến lần thứ ba, anh đang ở đỉnh cao sự nghiệp và tự tin hơn nhiều vào khả năng bản thân.
Điều thứ hai, anh Bình lưu ý việc nhất quán trong câu chuyện của bản thân, từ bài luận đến phỏng vấn. Bởi khi phỏng vấn, ban giám khảo sẽ hỏi các câu xung quanh bài luận thí sinh đã nộp. Một trong những lý do thất bại sau hai lần xin học bổng là bài luận của anh thiếu tập trung vào yêu cầu và không kể được câu chuyện của mình.
Bà Mai Thu Hà, chuyên viên Chương trình Chevening tại Việt Nam, cho biết bài luận xin học bổng cần kể đúng câu chuyện của bản thân, càng chân thật, bộ hồ sơ càng có giá trị. Qua các năm tuyển chọn, ban giám khảo đã nhận được rất nhiều bộ hồ sơ giống nhau, có vẻ từ nguồn tham khảo nào đó. Nhưng đến lúc phỏng vấn, câu chuyện của ứng viên không đúng như trong bài luận.
"Dù bạn có thể vượt qua vòng hồ sơ, đến khi phỏng vấn bạn sẽ dễ dàng bị phát hiện, bởi ban giám khảo rất có kinh nghiệm", bà Hà giải thích. Trong vòng phỏng vấn, ban giám khảo hiếm khi đặt câu hỏi mang tính đánh đố, ứng viên chỉ cần trả lời đúng trọng tâm, chân thật với câu chuyện của mình.
Biết lãnh đạo không đồng nghĩa với việc giữ chức lãnh đạo 
Theo bà Hà, Bộ Ngoại giao Anh mong muốn tìm kiếm những người có tiềm năng lãnh đạo, nhưng không nhất thiết phải giữ chức lãnh đạo. "Tiềm năng thể hiện trong công việc, trong các hoạt động cộng đồng. Bạn có sáng kiến thú vị, hữu ích cho cộng đồng, đó cũng được coi là tiềm năng lãnh đạo".
Có nhiều định nghĩa về tố chất lãnh đạo, nhưng Đại sứ Anh Lever dẫn một bài báo ông mới đọc, trong đó cho rằng khả năng lãnh đạo là biết đứng lên sau thất bại trong việc xin học bổng. "Lãnh đạo là sự kiên trì, bền bỉ. Vì vậy, việc không ngừng cố gắng thực ra lại thể hiện tính cách chúng tôi tìm kiếm ở những ứng viên xin học bổng", ông Lever cho hay.
Vòng phỏng vấn học bổng Chevening năm nay sẽ diễn ra vào tháng 4. Hồ sơ năm 2019 sẽ được mở từ tháng 8 đến 11. "Lời khuyên là các bạn hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, hãy tìm hiểu thông tin từ các khóa trước, kết nối với các anh chị từng du học theo chương trình Chevening để hiểu về chương trình, lợi ích các bạn đạt được khi sang Anh du học cũng như tìm hiểu kỹ về hồ sơ, tiêu chí tuyển chọn để chuẩn bị tốt nhất", bà Hà nói.
Ngoài ra, ứng viên cần tìm hiểu cụ thể về nước cấp học bổng, giải thích rõ lý do muốn học tại Anh mà không phải quốc gia khác; có định hướng cụ thể về ngành học và công việc. Kế hoạch cụ thể sẽ giúp ban giám khảo đánh giá có phù hợp với những tiêu chí của chương trình cũng như đóng góp cho sự phát triển của đất nước sau khi trở về hay không.
Trọng Giáp (VNE)

Có thể bạn quan tâm