Đến nay đã có 17 người khỏi bệnh Covid-19 đăng ký hiến huyết tương, trong đó có chín người được tiến hành sàng lọc, hai người đã được lấy huyết tương, còn lại đang chờ kết quả. Các mẫu huyết tương thu thập được sẵn sàng cho người bệnh cần sử dụng.
Bệnh nhân Kelly Michelle Koch được kiểm tra sức khỏe để hiến huyết tương sáng nay. |
BSCKII Vũ Thị Thu Hương – Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Giải Phóng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sáng nay, đã có năm người đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương để các bác sĩ tiến hành sàng lọc các xét nghiệm cần thiết, nếu đủ điều kiện sẽ được hiến huyết tương ngay. Đây là năm trong số 17 ca bệnh Covid-19 khỏi bệnh đăng ký hiến huyết tương sau một tuần kêu gọi.
Trong sáng nay, 12-8, bệnh nhân Kelly Michelle Koch, 50 tuổi, quốc tịch Mỹ, sống tại TP Hồ Chí Minh, từng điều trị Covid-19 tại BV Dã chiến Củ Chi đã thu xếp bay ra Hà Nội để đăng ký hiến huyết tương… BN196 là người rất muốn hiến huyết tương từ khi mới khỏi bệnh, giờ mới có cơ hội đăng ký hiến.
Theo BS Hương, huyết tương được đánh giá là giải pháp điều trị an toàn, đem lại hiệu quả nhất định cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Huyết tương của người khỏi bệnh có chứa kháng thể với hiệu giá cao chống lại virus SARS-CoV-2. Khi truyền vào cơ thể bệnh nhân nặng (có tải lượng virus cao), kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt virus ở bệnh nhân mức độ trung bình, nặng.
Số lượng lấy huyết tương khoảng 600ml, việc tách huyết tương bằng thiết bị rất hiện đại chỉ gạn lấy huyết tương, còn các tế bào máu như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu vẫn ở lại cơ thể người hiến.
Do đó những ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến là gần như không có. Sau khi hiến huyết tương có thể bù thêm lượng dịch bị thiếu để người hiến ổn định sức khỏe ngay.
Các mẫu huyết tương được chiết tách được bảo quản ở nhiệt độ âm 18-25 độ C, sử dụng trong vòng 12 tháng, có thể vận chuyển xa, bảo đảm bảo quản lạnh ở nhiệt độ âm.
Liệu pháp dùng huyết tương của người bệnh phục hồi đã được sử dụng rất lâu, qua các vụ dịch từ đầu thế kỷ 20 như dịch cúm, quai bị, sởi...
Theo thống kê của tám nghiên cứu trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918 với 1.703 bệnh nhân thấy rằng, việc sử dụng huyết tương của người đã phục hồi đã làm giảm tỷ lệ tử vong một cách có ý nghĩa.
Sau này, liệu pháp dùng huyết tương này cũng được sử dụng trong đại dịch SARS, Ebola... đặc biệt trong dịch Covid-19 thì liệu pháp này đã được nghiên cứu và áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Ở Trung Quốc, các bác sĩ đã dùng huyết tương của người đã phục hồi cho bệnh nhân nặng với kết quả khá khích lệ.
Đây cũng được coi là phương pháp điều trị và được đưa vào tài liệu hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện.
Người bệnh đã khỏi COVID-19 có thể chủ động liên hệ tới đường dây nóng 19003228 hoặc Phòng Công tác xã hội, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương để được tư vấn, giải đáp. |
THIÊN LAM (NDĐT)