Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Đa dạng phương pháp giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)-Ban ATGT tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức tập huấn cho giáo viên về định hướng xây dựng kế hoạch bài giảng và thực hành tiết học về ATGT.

Lớp tập huấn nhằm giúp giáo viên tại 5 trường tiểu học triển khai Dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025 tiếp cận phương pháp giảng dạy mới về an toàn giao thông (ATGT), Ban ATGT tỉnh phối hợp với tổ chức AIP Foundation và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức tập huấn cho giáo viên về định hướng xây dựng kế hoạch bài giảng và thực hành tiết học về ATGT.

da-dang-phuong-phap-giao-duc-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-b.jpg
Chương trình phát động Dự án “Đến trường an toàn” năm học 2023-2024 tại Trường Tiểu học Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Ảnh: M.P

Dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025 được triển khai từ tháng 8-2024 đến tháng 5-2025 tại các trường tiểu học: Phan Chu Trinh, Nguyễn Trãi, Lê Lợi (huyện Phú Thiện), Hà Bầu và xã Trang (huyện Đak Đoa) nhằm tăng cường kiến thức pháp luật và kỹ năng về ATGT đường bộ cho học sinh tiểu học; cải thiện hạ tầng đường bộ khu vực trường học, giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Đáng chú ý, dự án còn giới thiệu, cung cấp, hướng dẫn giáo viên về cách ứng dụng các tài liệu bổ trợ trong giảng dạy tại nhà trường; đồng thời, chia sẻ phương pháp giảng dạy tích cực về chủ đề ATGT, tổ chức thực hành thiết kế bài giảng sơ bộ và giảng mẫu tiết học về ATGT cho học sinh tiểu học.

Tham gia lớp tập huấn, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Bầu-khẳng định: Nhà trường đã được dự án hỗ trợ cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh trường học. Trong đó, khu vực cổng trường học được cải tạo khang trang, sạch đẹp, được lắp đặt gờ giảm tốc, vạch kẻ đường, lan can bảo vệ, biển báo hạn chế tốc độ, giúp học sinh và phụ huynh an toàn hơn mỗi khi đến trường.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Bầu thông tin thêm: Với đặc thù có hơn 96% học sinh dân tộc thiểu số nên kiến thức, kỹ năng về ATGT của các em còn hạn chế. Do vậy, việc các giáo viên được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức lớp học ATGT ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực qua các bài giảng bằng hình ảnh trực quan sinh động kết hợp với các trò chơi, thực hành và tham gia xử lý tình huống khi tham gia giao thông giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

“Dự án còn cung cấp các tài liệu bổ trợ vào bài giảng như: video hoạt hình, các trò chơi, tiểu phẩm, hoạt cảnh về chủ đề ATGT, thiết kế bài giảng trình chiếu với nhiều hình ảnh bắt mắt, dễ hiểu để thu hút học sinh. Điều này giúp các em cảm thấy hào hứng, thấy được sự cần thiết của việc chấp hành pháp luật về ATGT”-cô Hằng nhấn mạnh.

22-8940.jpg
Đại diện cán bộ, giáo viên các trường Tiểu học tham gia dự án Đến trường an toàn năm học 2024-2025 của tỉnh Gia Lai và Quảng Ngãi tham gia tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực về an toàn giao thông. Ảnh: M.P

Năm học 2024-2025, Dự án “Đến trường an toàn” triển khai ở 12 trường tiểu học tại 3 tỉnh: Gia Lai, Yên Bái và Quảng Ngãi với mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng của giáo viên, học sinh về ATGT đường bộ để bảo vệ các em trước những hiểm họa tai nạn giao thông.

Tại Gia Lai, đây là năm thứ 2 triển khai dự án nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng về ATGT cho hơn 3.400 học sinh, 161 giáo viên tại 5 trường dự án gồm các trường tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi, Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện); Trường Tiểu học Hà Bầu và xã Trang (huyện Đak Đoa).

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thanh Nga-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện) cho rằng: Chương trình tập huấn đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức những tiết giảng về ATGT giúp giáo viên chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng.

Đồng thời, phương pháp giảng dạy này còn giúp học sinh chủ động hơn trong việc tham gia thảo luận nhóm, đóng vai trong các tiểu phẩm, xử lý tình huống, trò chơi...

“Lớp học kết hợp với công nghệ này đã thay đổi vị trí giáo viên từ trung tâm sang học sinh là trung tâm; đồng thời tạo ra môi trường để học sinh có thể tự tìm tòi và học hỏi trong quá trình học. Từ đó, học sinh từ người tiếp thu thụ động sang vai trò chủ động, tích cực tham gia tất cả lĩnh vực và hoạt động trong quá trình học.

Ngoài ra, giáo viên sử dụng hình ảnh video của bộ tài liệu điện tử, bộ tài liệu giáo dục ATGT không những cung cấp thông tin kiến thức ATGT trong mỗi bài giảng trên lớp, mà còn mở rộng, định hướng học sinh cùng xem và giới thiệu người thân cùng thực hiện, nhằm lan tỏa hành vi đúng về ATGT”-cô Nga chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-nhấn mạnh: Mục tiêu của dự án là tăng cường kỹ năng về ATGT đường bộ cho học sinh tiểu học; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT trong cộng đồng và cải thiện hạ tầng đường bộ khu vực trường học để nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trường học, góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Để đạt được mục tiêu này, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các đơn vị tài trợ giới thiệu Dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025 và bồi dưỡng giáo viên phương pháp giảng dạy tích cực về ATGT.

“Chương trình tập huấn trang bị nhiều kiến thức cho giáo viên thực hiện tiết dạy về ATGT. Tôi mong rằng sau lớp tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học phương pháp giảng dạy tích cực về ATGT, các bài giảng ATGT trong trường học sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tăng cường kỹ năng, kiến thức về ATGT cho học sinh để mỗi ngày đến trường thực sự là ngày vui cho tất cả các em”-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm