Kinh tế

Doanh nghiệp

Đã kê biên nhiều tài sản của các bị cáo trong vụ Gang thép Thái Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với cáo buộc 19 bị cáo gây thất thoát hơn 830 tỉ đồng tại dự án Gang thép Thái Nguyên, cơ quan điều tra đã kê khai nhiều bất động sản, biệt thự...

Bị cáo Trần Trọng Mừng - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - bị xác định có vai trò cầm đầu. Ảnh: V.Dũng
Bị cáo Trần Trọng Mừng - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - bị xác định có vai trò cầm đầu. Ảnh: V.Dũng


Theo dự kiến, hôm nay (20.4), Toà án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội sẽ ra phán quyết với 19 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

19 bị cáo với các tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài các mức án tuyên phạt với 19 bị cáo, nếu đồng tình với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP.Hà Nội, TAND TP.Hà Nội sẽ ra phán quyết buộc những người phạm tội phải liên đới bồi thường hơn 830 tỉ đồng - số tiền thiệt hại của vụ án.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản của các bị can trên. Trong đó, đối với ông Trần Văn Khâm - cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO, cơ quan điều tra đã kê biên tổng cộng 6 nhà, đất nằm rải rác tại tỉnh Thái Nguyên và TP.Hà Nội.

Cụ thể, năm 2019 kê biên 2 tài sản nhà, đất tại Thái Nguyên; căn hộ tại chung cư 165B Thái Hà (Hà Nội); nhà, đất tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội); căn hộ tại khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội). Năm 2020 kê biên thửa đất diện tích 252m2 tại Thái Nguyên đứng tên vợ ông Khâm.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng kê biên 5 tài sản là nhà, đất của ông Đậu Văn Hùng - cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) ở TP.Hồ Chí Minh. Kê biên 1 nhà đất của ông Trần Trọng Mừng - cựu Tổng giám đốc TISCO; 1 nhà đất của ông Mai Văn Tinh - cựu chủ tịch HĐQT VNS...

Cơ quan điều tra còn tiến hành phong tỏa, tạm dừng giao dịch một số tài khoản ngân hàng của các bị can.

Trong phần thẩm vấn và bào chữa, liên quan đến căn nhà hiện bị kê biên, ông Mai Văn Tinh cho rằng đã chuyển sang tên cho con gái từ trước khi vụ án bị khởi tố.

Cùng với đó, luật sư bào chữa cho ông Khâm có đơn đề nghị giải tỏa kê biên 2 lô đất do đã được chuyển nhượng cho người khác trước khi khởi tố vụ án và 1 căn nhà là nơi ở của gia đình ông Khâm với lý do là cả gia đình cùng tạo lập.

Cũng trong diễn biến của phiên toà, đại diện TISCO tham dự phiên toà trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) rằng, đơn vị không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng không yêu cầu 19 bị cáo bồi thường số tiền 830 tỉ đồng.

Song, HĐXX cho rằng, TISCO là công ty cổ phần, trong đó vốn chủ sở hữu Nhà nước chiếm 68%. Do đó, thiệt hại này là thiệt hại của Nhà nước, thiệt hại tiền thuế của dân.

Việc TISCO đồng ý hay không đồng ý với phần bồi thường thiệt hại, trong trường hợp này không có ý nghĩa. Việc TISCO đề nghị bồi thường thiệt hại hay không đề nghị bồi thường thiệt hại chỉ là thủ tục, bởi thiệt hại đã hình thành trước khi TISCO có đơn đề nghị.

Mặt khác, chủ trương TISCO không yêu cầu bồi thường thiệt hại, tài liệu và thẩm vấn tại toà thể hiện, vấn đề này chưa được Hội đồng quản trị thông qua.

Trong sai phạm xảy ra tại dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, cơ quan công tố cáo buộc, ông Trần Trọng Mừng chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án.

Ông Mai Văn Tinh có trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo thực hiện dự án. Khi nhà thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm, ông Tinh phải có trách nhiệm chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, xem xét hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại nhưng không thực hiện.

Bị cáo Tinh còn chỉ đạo, đàm phán tách hợp đồng EPC số 01, chấp nhận và giao cho người đại diện vốn của VNS tại TISCO phê duyệt điều chỉnh cơ cấu dự án…

Bị cáo Trần Văn Khâm là người kế nhiệm ông Mừng chỉ đạo dự án. Mặc dù biết rõ hợp đồng EPC số 01 là trọn gói nhưng bị can vẫn ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức dự án, ký phụ lục điều chỉnh thống nhất tách hợp đồng, trực tiếp ký hợp đồng ba bên và giao cho Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam - VINAINCON không đủ năng lực thực hiện hợp đồng theo đơn giá.

Hành vi của các bị can dẫn đến dự án chậm tiến độ, đội vốn, không hoàn thành, gây thiệt hại cho TISCO 830 tỉ đồng.

https://laodong.vn/phap-luat/da-ke-bien-nhieu-tai-san-cua-cac-bi-cao-trong-vu-gang-thep-thai-nguyen-900494.ldo
 

Theo VIỆT DŨNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm