Đà Lạt chiếm 60% diện tích nhà kính toàn tỉnh Lâm Đồng, dẫn đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chấp nhận hoán đổi môi trường sinh thái, Đà Lạt đang 'trả giá'...
Làng hoa Thái Phiên bạc trắng nhà kính. Ảnh: Huỳnh Trang
Làng hoa Thái Phiên (P.12, Đà Lạt) dưới cơn mưa chiều trắng xóa. Trong bộ đồ mưa, hai vợ chồng bà Phượng vẫn miệt mài trên sào đất trồng atiso ngoài trời. “Có tiền làm nhà kính trồng bông cúc sướng hơn, thu nhập cao mà không phải lo mưa nắng”, bà Nguyễn Thị Phượng, 63 tuổi, nói.
Đổi đời
Nhiều năm trước vợ chồng bà dành dụm được 350 triệu đồng đầu tư hai sào (2.000 m2) nhà kính trồng bông cúc, nhớ lại bà Phượng vẫn còn cảm giác vui mừng xen lẫn tự hào.
“Ở đây 20 nhà thì còn 1 nhà chưa có tiền làm nhà kính thôi. Giờ nông dân đổi đời mau lắm, một năm nếu nhiều phải thu được vài tỉ”, ông Lê Gành, chồng bà Phượng vừa nói vừa nhìn xuống dưới đồi lớp lớp những mái màng, mái bạt đan kín vào nhau.
Những lồng thuốc độc Đi vài đoạn ngắn trong nhà kính, tôi phải dừng lại thở dốc vì nóng và ngột ngạt. Câu nói của người bạn bên cạnh còn khiến tôi “ngộp thở” hơn: “Khu nhà mình ngày xưa toàn dân làm vườn, mấy đứa bạn từ bé sau này giàu nhanh nhưng chết trẻ lắm, lâu lâu lại nghe tin, có đứa chưa đến… 40 tuổi!”. Thuốc sau khi phun xuống, gặp sức nóng lại bốc hơi bay lên, luẩn quẩn trong những màng ni lông. Nhà kính như cái lò hấp khổng lồ giữ lại tất cả hóa chất độc hại đó. Những người làm công cho biết chuyện khó thở, ngất xỉu khi bơm thuốc là bình thường. “Hoa cúc cách ngày bơm một lần, cẩm chướng 1 tuần/lần, hoa ly không phải bơm thuốc nhưng phải khử trùng đất”, chị T., làng hoa Đa Thiện, nói. Hồi tháng 4, ba sào hoa cúc của anh Trần Hiệp (làng hoa Thái Phiên, P.12, Đà Lạt) chết 70% vì dịch bệnh. Anh Hiệp thở dài: “Không bơm thuốc không bán được. Rồi chưa kể thuốc lờn, thuốc giả, độc hại… Không làm thì không có kinh tế, làm thì phải đánh đổi”. |
Cách nhà bà Phượng không xa, chị Trần Thị Tuyết, 28 tuổi, cũng là người trẻ lựa chọn về quê làm tiếp nghề nông của gia đình. Thay vì trồng bắp sú ngoài trời như trước đây, chị vay mượn để làm ba sào nhà kính trồng hoa đóa cánh dài. Năng suất cao gấp ba lần so với trồng bắp sú, chỉ hai năm, Tuyết trả hết nợ.
Phun thuốc cho cây trong nhà kính. Ảnh: Thanh Tâm
Hơn nửa đời người gắn bó với Đà Lạt, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, cho biết nhà kính, nhà lưới ở Đà Lạt chỉ mới phát triển từ những năm 1990 trở lại đây. Trước đó nông dân Đà Lạt vẫn canh tác chủ yếu các loại cây trồng bản địa, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt như atiso, hoa hồng, hoa cúc, lay ơn, bắp sú, xà lách, carol...
Những nhà lưới đầu tiên có tác dụng giúp che bớt ánh nắng mặt trời, giúp cây địa lan phát triển. Nhưng từ khi Đà Lạt du nhập những giống cây ngoại thì nhà kính mới bắt đầu xuất hiện. Khi người nông dân thấy nơi nọ nơi kia có những loại cây cho giá trị kinh tế cao thì bắt đầu đua nhau phát triển. Cứ vậy mà thành ra ồ ạt.
Đường dân sinh ở P.7, Đà Lạt ngập lụt ngày 18.5.2018. Ảnh: Lâm Viên
Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng có 4.500 ha nhà kính, 1.200 ha nhà lưới, trong đó Đà Lạt chiếm 60% diện tích nhà kính toàn tỉnh. Không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thu nhập bình quân/ha đất cao hơn gấp vài lần so với các địa phương khác. Dễ hiểu vì sao nông dân Đà Lạt chịu ơn với nhà kính. Nhưng đổi lại, vùng đất này cũng chứng kiến một thời kỳ mất đi nhanh chóng những giá trị quý báu của mình như vốn rừng, khí hậu, cảnh quan, môi trường sinh thái.
Trả giá
Điều ai cũng thấy Đà Lạt phải đánh đổi đầu tiên là cảnh quan. Ngày xưa phóng xe máy ra khỏi trung tâm đã thấy ngay những rừng thông, thảm hoa bạt ngàn. Còn bây giờ, không chỉ làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, cả những khu dân cư, khu du lịch như hồ Than Thở, Đồi thông hai mộ, Thung lũng Tình Yêu nhìn ra cũng bạt ngàn... nhà kính.
Những mỹ từ mà dành cho Đà Lạt như “thành phố ngàn thông”, “thành phố ngàn hoa”, “thành phố trong rừng” sắp trở thành ký ức.
Tư duy ngắn hạn sẽ sớm gánh hậu quả Ngoài việc chống xói mòn, sạt lở, rừng thông đóng góp lớn trong việc tạo nên chất lượng không khí cho Đà Lạt. Cạnh đó, bao đời nay ông cha đã lợi dụng lớp mùn dưới những cánh rừng thông như một loại phân bón hữu cơ, theo mưa chảy xuống những vùng thấp, vừa tưới tắm cho cây, vừa bồi đắp phì nhiêu cho đất trồng. Đó chính là cách làm nông nghiệp bền vững dựa vào tự nhiên của người Đà Lạt trước đây. “Bây giờ người ta chỉ tư duy ngắn hạn là chặt cây, lấy đất, dựng nhà kính lên để che chắn, bảo vệ tài sản của mình khỏi tác động của tự nhiên. Nếu cứ chạy đua theo cách này mà xóa sổ những tri thức về một nền nông nghiệp bền vững của người bản địa, thì chỉ được một thời gian ngắn là phải chịu hậu quả”, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh chia sẻ. |
Những năm gần đây, người dân Đà Lạt quen dần với hiện tượng thời tiết thất thường như lũ lụt, ngập úng, sạt lở, nhiệt độ tăng giảm bất ngờ, sai lệch mùa vụ... Có những chuyện trước đây được xem như “chuyện hài hước” ở Đà Lạt nhưng bây giờ là sự thật. “Mỗi lần mưa lớn, bạn bè khắp nơi lại nhắn tin hỏi nhà có bị làm sao không. Sao thấy nước bốn bề, người dân đu cột điện, trèo lên nóc nhà như ở miền Tây vậy?”, anh Nguyễn Thanh Tân (43 tuổi, đường Vòng Lâm Viên, P.8, Đà Lạt) kể.
Những ngọn đồi bị cạo trọc đổi đất nông nghiệp làm nhà kính. Ảnh: Thanh Tâm
PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh nhận định đó là những hệ quả dễ thấy của việc cạo trọc rừng lấy đất nông nghiệp làm nhà kính và bê tông hóa chóng mặt đô thị Đà Lạt trong 10 năm qua.
“Khi mưa xuống, nếu đất rừng hay đất trống thì nước còn ngấm nhưng bây giờ đã bị nhà kính che chắn hết. Hệ thống thoát nước tự nhiên gần như biến mất, nước rơi xuống sẽ chảy thành dòng, mà những mái bạt mái màng cứ liên tiếp với nhau từ đồi cao xuống vùng thấp nên càng tạo thành những dòng lớn, chảy đến đâu xói mòn sạt lở đến đó. Con người nếu đối xử với thiên nhiên không cẩn thận thì sẽ bị đòn thôi”, ông Sinh giải thích.
Canh tác trong nhà kính loại bỏ mọi vai trò của tự nhiên. Trời mưa cũng bơm nước lên tưới. Ban ngày thì che chắn, ban đêm lại thắp đèn chiếu sáng cho cây. Dần dà, cây trong nhà kính cũng như đứa trẻ bị mất bản năng sinh tồn, trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi lần lờn thuốc, người ta lại đổi thuốc, đổi giống, dẫn đến Đà Lạt không giữ những giống thuần chủng vì liên tục lai tạo giống mới chống bệnh tật, liên tục phải nhập giống mà cũng không thể tạo ra những giống cây bản địa. Về lâu dài, việc không sở hữu giống sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh của Đà Lạt trên thương trường quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh nêu ý kiến: “Nội hàm của cách mạng 4.0 chính là cách mạng xanh, làm sao để quay về phát triển hòa hợp với thiên nhiên. Cần một quyết tâm lớn của nhà chức trách Đà Lạt, và sự đồng thuận của nông dân để giải quyết vấn nạn nhà kính”.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết không đúng khi đánh đồng “nhà kính” là ứng dụng công nghệ cao. Đó chỉ là một yếu tố cạnh những khía cạnh khác như ứng dụng công nghệ sinh học, quản lý môi trường, tưới nước tiết kiệm, công nghệ thông tin, quản trị tài chính thông minh.
“Tỉnh đã có những giải pháp giảm bớt nhà kính trong lộ trình 10 - 15 năm tới, đặc biệt ở những khu vực trung tâm thành phố và tập trung ở các vùng như Tà Nùng, Xuân Trường, Xuân Thọ. Cạnh đó, tập trung phát triển những nhà kính đáp ứng đủ tiêu chuẩn, yếu tố kỹ thuật về công nghệ, môi trường”, ông nói.
Nguyễn Thanh Tâm (Thanh Niên)