Sức khỏe

Đà Nẵng: Bệnh nhân đột tử tim được cứu sống nhờ máy phá rung tự động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 4.4, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết bệnh viện vừa thực hiện thành công ca cấy máy phá rung tự động (ICD), cứu sống bệnh nhân đột tử tim do hội chứng Brugada.
Bệnh nhân (BN) đột tử tim được cứu sống nhờ kỹ thuật này là ông N.V.L (50 tuổi, ngụ TP.Hội An, Quảng Nam).
Ngưng thở giữa đêm
Trước đó, vào khuya 23.3, BN L. đang ngủ thì lên cơn khó thở, sau đó hôn mê, được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương. BN được hồi sức tích cực, cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, shock điện, dùng Adrenalin đường tĩnh mạch khoảng 15 phút mới có tim trở lại.
Ngay sau đó, BN được chuyển cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, siêu âm tim, đo điện tim, phát hiện BN bị chứng Brugada type 1.
ThS-BS Hoàng Huy Liêm, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết qua khai thác bệnh sử cho thấy BN L. đã có tiền sử ngất 2 lần, nhưng may mắn qua khỏi.
Ê kíp bác sĩ Khoa Nội tim mạch đã chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) cho BN, giúp kiểm soát các cơn loạn nhịp tim gây đột tử. Đây là một phương pháp hiệu quả và an toàn trong y học hiện đại giúp dự phòng đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra.
BN L. được thực hiện phẫu thuật trong vòng 1 giờ 30 phút, sau khi cấy máy ICD hiện sức khỏe đã ổn định. Cấy máy ICD hiện được xem là phương pháp tối ưu giúp người bệnh thoát khỏi nguy cơ đột tử do tim và đã được thực hiện thường quy tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.

Chứng loạn nhịp tim của BN đã cải thiện và ổn định sau khi cấy máy ICD. Ảnh: BV Đà Nẵng cung cấp
Hội chứng loạn nhịp tim Brugada
Cũng theo ThS-BS Hoàng Huy Liêm, hội chứng Brugada là một bệnh lý hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Bệnh có thể dẫn đến những cơn nhịp tim nhanh bất thường (loạn nhịp thất, rung thất) trên điện tâm đồ ECG, gây ngất xỉu và làm gia tăng nguy cơ đột tử do tim.
Khi tim bị loạn nhịp, BN thường có các cơn ngất xỉu khó lường và nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đối với BN lên cơn loạn nhịp, nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì tử vong là điều chắc chắn. Bên cạnh đó, bệnh còn có tính di truyền và làm gia tăng nguy cơ đột tử tim, tử vong ở những nam giới trẻ tuổi.
Với các BN này, máy phá rung tự động ICD sẽ được cấy ghép dưới xương đòn, một dây điện cực kết nối từ máy vào buồng tim phải qua đường tĩnh mạch dưới đòn để dự phòng các cơn loạn nhịp. Máy ICD ghi nhận và theo dõi tất cả mọi hoạt động điện học của tim. Khi tim xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm, tín hiệu bất thường này sẽ chuyển tới máy ICD, máy sẽ phát dòng điện để cắt những cơn rối loạn nhịp, đưa trái tim trở về nhịp co bóp bình thường, ngăn ngừa đột tử.
Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, phẫu thuật cấy máy ICD là một trong những kỹ thuật cao, được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa sâu về tạo nhịp tim. Sau hơn 5 năm triển khai, kỹ thuật cấy máy ICD đã được thực hiện thường quy tại Khoa Nội tim mạch cùng với các thiết bị hiện đại và đồng bộ như hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), với đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao đã thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong khám và điều trị bệnh lý tim mạch.
Y khoa kỹ thuật cao này không chỉ cứu sống BN đột tử tim mà còn mở ra cơ hội sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, tiết kiệm chi phí chuyển lên tuyến trên của người dân Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Theo An Dy (TNO)

Có thể bạn quan tâm