Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đặc sắc lễ hội Kìn chiêng bốc mạy của người Thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Kìn chiêng bốc mạy” là lễ hội tiêu biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Thái, diễn ra vào thời điểm đất trời lập xuân, với không khí vui tươi, rộn rã, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng dân tộc Thái.

Vừa qua, tại nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), trong không gian sôi động của Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ II, Đội nghệ nhân dân tộc Thái ở thôn 4 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) đã tái hiện sinh động, đặc sắc lễ hội Kìn chiêng bốc mạy và tạo ấn tượng sâu đậm cho người xem.

Nắng chiều rợp bóng vàng dưới mái nhà rông Kon Klor, Đội nghệ nhân Thái đen ở thôn 4 (xã Ia Đal) với 30 thành viên đủ mọi lứa tuổi nhanh chóng bước ra sân khấu và thực hiện màn tái hiện lễ hội Kìn chiêng bốc mạy trong sự háo hức, mong chờ của khán giả.

Lễ hội tái hiện cảnh vật buổi sáng tinh mơ một ngày cuối năm, sau khi hoàn thành việc thu hoạch mùa màng, bà con người Thái chuẩn bị mâm lễ cúng thịnh soạn, mang thêm chum rượu cần, đệm bông lau, gạo nếp thơm, con gà béo, cá kẹp nướng, bánh sừng trâu, mâm xôi bày tỏ lòng thành đến với các thần linh. Khi tất cả xong xuôi, bà mo (thầy cúng) ngồi trước mâm lễ đọc lời khấn tổ tiên, các vị thần về nhận lễ vật, chung vui với bà con. Dưới sự hướng dẫn của bà mo, các thành viên ngồi phía sau cùng khấn theo, cảm tạ các đấng thần linh, tổ tiên đã cho họ cuộc sống bình yên, sức khỏe và hạnh phúc.

Hát, múa Xòe đặc trưng người Thái dưới cây bông. Ảnh: H.T

Nghi thức cúng kết thúc, mọi người bắt đầu vào phần hội với các hoạt động ăn uống, vui chơi, giải trí, văn nghệ. Tiếng nghệ nhân Lục Thị Nương (58 tuổi) trong vai bà mo vang vọng khắp khuôn viên nhà rông Kon Klor: “Thần linh đã chứng, giờ ta thay mặt thần linh phát lộc cho các con. Cầu cho các con năm nay sức khỏe, làm ăn mùa màng bội thu, cầu cho bản ta đời đời ấm no hạnh phúc. Hỡi các con cháu bản trên bản dưới, lễ hội đã được tâu, thần linh đã chứng, con cháu ta mau mau vào hội đón xuân nào. Các con hãy nổi trống, nổi chiêng lên để chúng ta mau vào hội nào”.

Phần hội tại lễ Kìn chiêng bốc mạy của người Thái ở thôn 4 (xã Ia Đal) mô phỏng một số trò chơi dân gian trong lao động sản xuất của cộng đồng người Thái thời xa xưa như chơi bói hoa, chơi tung còn, đánh mắng (tiếng Thái gọi là tó mắc lẻ), chơi thẻ (tiếng Thái gọi là ngan pé), chơi ô van quan (tiếng Thái gọi là ngan cúm). Thông qua trò chơi giúp cộng đồng người Thái thêm đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu nhau hơn.

Nghệ nhân Lục Thị Nương là một trong những thành viên lớn tuổi nhất đội, luôn ý thức việc giữ gìn và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, sau khi vào định cư tại thôn 4 (xã Ia Đal), bà cùng với các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn tích cực gìn giữ, truyền dạy cho lớp trẻ những nét văn hóa đặc sắc của người Thái, trở thành tấm gương tiêu biểu trong giữ gìn văn hóa dân tộc ở địa phương.

Nghệ nhân biểu diễn trống, chiêng phục vụ lễ hội. Ảnh: H.T

Nghệ nhân Lục Thị Nương chia sẻ: Mỗi lần được tham dự các cuộc thi, đi giao lưu, biểu diễn thì cả đội rất vui và hăng say tập luyện, cố gắng trình diễn tốt nhất để phục vụ du khách, bà con. Chúng tôi chọn tái hiện lễ hội Kìn chiêng bốc mạy vì đây là lễ hội tiêu biểu, phản ánh đặc trưng văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần bao đời nay của người Thái. Tôi rất cảm ơn địa phương đã quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Thái chúng tôi lưu giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Theo bà Lục Thị Nương, tích xưa kể rằng lễ hội Kìn chiêng bốc mạy bắt nguồn từ các ông mo, bà tày ở trong thôn chuyên lo việc chữa bệnh cứu người bằng lá cây hoa cỏ ở trong vườn nhà, ở rừng và cầu cúng thần linh nhằm xua đuổi ma rừng, ma núi để chúng không đến quấy nhiễu bản làng. Qua đó mong cầu cuộc sống bình yên, khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc và biết ơn các đấng thần linh đã phù hộ chở che. Ngoài ra, đây còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, phản ánh bức tranh đa sắc màu văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái.

Ngoài các trò chơi truyền thống đặc sắc, tại lễ hội Kìn chiêng bốc mạy, người Thái còn nổi tiếng với làn điệu “Khắp”, là các khúc hát dân ca trữ tình, hát vang những câu thơ, truyện thơ kết hợp với vần điệu, luyến láy, tiết tấu tự do để mang cảm xúc vào mỗi câu hát. Những điệu “Khắp” thường có giai điệu mượt mà, trữ tình, bắt tai, thường kết hợp cùng với “Pí khui” (sáo trúc) và “Pí pe” (khèn bè) tạo ra các giai điệu trầm bổng, du dương, ngân nga tạo nên thứ âm thanh lạ, độc đáo dễ đi vào lòng người.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có những điệu Xòe độc đáo, tượng trưng cho hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Những điệu múa Xòe phổ biến của người Thái có thể kể như: Xòe xoắn piêu, Xòe một bước bí chân, Xòe hái hoa và Xòe vòng tròn vỗ tay. Mỗi điệu Xòe đều có ý nghĩa mong cầu mang đến những điều tốt đẹp cho con người, khỏe mạnh, ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Chơi tung còn tại lễ hội. Ảnh: H.T

Đặc biệt, trong lễ Kìn chiêng bốc mạy không thể thiếu cây bông hoa (tương tự cây nêu của một số DTTS khác). Cây bông được xem là linh hồn, trung tâm của Lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân hạ thu đông, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người từ thuở xa xưa. Qua đó nhằm kết nối, nói lên ước nguyện của bà con với thần linh, cầu mong được chở che, ban phước lành.

Thôn 4 (xã Ia Đal) hiện đã đạt chuẩn nông thôn mới, có 93 hộ với 354 khẩu và chỉ còn 5 hộ nghèo. Toàn thôn có 8 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Thái đen chiếm đa số với 75%. Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại thôn có sự góp sức không nhỏ của cộng đồng người Thái sinh sống tại đây, trong đó, có việc tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, góp phần phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Anh Hà Văn Tình (36 tuổi) là người dân tộc Thái, hiện là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 4 (xã Ia Đal), Đội trưởng Đội nghệ nhân Thái tại thôn cho biết: Đội có đủ mọi lứa tuổi từ nhỏ đến lớn, em nhỏ nhất sinh năm 2005. Chúng tôi thành lập câu lạc bộ dân gian để tạo sân chơi, duy trì tập luyện, bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Thái. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ còn giúp tuyên truyền, vận động lớp trẻ trong thôn yêu quý, giữ gìn được bản sắc dân tộc để không bị mai một.

Xem đội nghệ nhân thôn 4, xã Ia Đal tái hiện lễ hội, biểu diễn hát múa truyền thống, chúng tôi cảm nhận rõ bao tâm huyết, say mê, tràn đầy tự hào về bản sắc truyền thống của mỗi thành viên trong đội. Từng đôi trai gái người Thái, tay trong tay cùng nhau hát múa, trao nhau nụ cười say đắm, hòa trong tiếng trống chiêng thúc giục liên hồi, men say rượu cần nồng ấm giúp tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó.

Bà Nguyễn Thị Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: Khai thác lợi thế những nét văn hóa đặc trưng, phong phú của cộng đồng các dân tộc, xã đã có những định hướng cho cộng đồng người Thái trên địa bàn, trong đó, có thôn 4 nỗ lực bảo tồn, giữ nguyên những đặc sắc văn hóa về trang phục, ẩm thực, dân vũ, dân nhạc truyền thống. Qua đó, đã phát huy hiệu quả, xây dựng được hệ giá trị văn hóa vùng miền gắn với phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả trên địa bàn.

Theo HOÀNG THANH (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm