Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Dấu ấn văn hóa Biển Hồ trong đời sống người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kết quả từ đợt khai quật di tích Biển Hồ và các di tích Trà Dôm, thôn 7, làng Ngol, Tai Pêr… đã định danh nền văn hóa Biển Hồ có niên đại khoảng 3-4 ngàn năm cách ngày nay. 

Sau một quá trình thiên di, tổ tiên của những người Jrai đã có mặt ở Pleiku và để lại dấu ấn khá đậm nét trong đời sống hiện đại.

Đây là nền văn hóa có vết tích cư trú của con người khá rõ nét, gồm những cư dân làm nông nghiệp cạnh các hồ nước. Giai đoạn này, con người bắt đầu thuần phục giới sinh vật xung quanh, từng bước biết đến kinh tế sản xuất. Cư dân tiền sử thuộc văn hóa Biển Hồ chiếm cứ địa hình-tiểu vùng địa lý Pleiku từ rất sớm.

Ở Pleiku, các nhóm tộc người có bề dày cư trú lâu đời (trong đó có người Jrai) đã dần hình thành nên bản sắc riêng gắn liền với môi trường sinh sống lưu truyền qua bao đời nay.

Mặc dù có những tiếp biến, song trong đời sống sinh hoạt vẫn mang những dấu ấn và có sự tương đồng nhất định với đặc trưng của cư dân cổ thuộc nền văn hóa Biển Hồ cách đây hàng ngàn năm.

z6031694398959-3c7ad2643988ac4f55380fbfa89d311b.jpg
Họa tiết đường cong trong có chấm tròn nhỏ nối nhau trên thổ cẩm của người Jrai. Ảnh: X.T
z6031703848859-67331037cbc8aa03233e14573b49131e.jpg
Họa tiết chạm khắc trên đồ dùng sinh hoạt của người Jrai. Ảnh: Xuân Toản

Về môi trường cư trú, theo kết quả nghiên cứu từ các đợt khảo sát, khai quật khảo cổ các di tích thuộc văn hóa Biển Hồ cho thấy, người dân thường chọn nơi cư trú gần các hồ nước, sông suối, vùng đất có địa hình tương đối bằng phẳng.

Người Jrai cũng vậy. Bà con thường chọn những nơi bằng phẳng, gần các nguồn nước để lập làng nhằm thuận lợi hơn trong sinh hoạt cũng như cung ứng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Cư dân cổ xưa có nền nông nghiệp nhỏ lẻ, mang đặc điểm của nền kinh tế chiếm đoạt, săn bắt, hái lượm với những công cụ được chế tác thô sơ từ gậy gộc, đá, gốm.

Ngày nay, công cụ lao động đã có những cải biến, song vẫn tồn tại nền sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ (sản xuất nương rẫy), nông nghiệp giữ vai trò chính yếu. Những chiếc cuốc con của người Jrai ngày nay có hình dáng tương đồng với những chiếc rìu đá và những chiếc cuốc bản dẹp thì tương đồng với những chiếc bôn hình răng trâu của người xưa.

Một sự tương đồng khá rõ nữa là tính cố kết cộng đồng rất cao. Có những việc dù là của một gia đình nhưng tính chất hoạt động là của một tập thể, bà con huy động, tập hợp một số lượng người cùng làm việc trong một khoảng thời gian nhất định dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu thường là già làng. Việc truyền đạt, phân giao công việc cho các thành viên trong cộng đồng chủ yếu bằng hình thức truyền khẩu.

Trong quá trình làm việc cùng nhau, họ quan tâm, động viên, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn nên dần dần tạo nên sự đoàn kết bền chặt. Sự phân chia đẳng cấp có thực hiện nhưng thường gắn với luật tục, ít gắn liền với lợi ích kinh tế.

Với quan niệm mọi sự vật đều thuộc về thế giới tự nhiên cùng với việc được thiên nhiên ưu đãi nên họ ít có khái niệm làm lụng để dự trữ, tích góp của cải lâu dài.

z6037612175810-7ee803def8e0d56d19e633adf07fe363.jpg
Họa tiết trên gốm Văn hóa Biển Hồ. Ảnh: Bá Tính

Có lẽ nét tương đồng mà chúng ta dễ nhận biết nhất đó là những họa tiết trên gốm của cư dân văn hóa Biển Hồ với những họa tiết trang trí trên đồ đan lát, dệt thổ cẩm hay những trang trí trên các chi tiết kiến trúc nhà rông, nhà mồ, tượng gỗ và trong các vật dụng hàng ngày của người Jrai hiện nay.

Tư liệu khảo cổ học cho thấy, họa tiết trên gốm các di tích thuộc văn hóa Biển Hồ rất phong phú với nhiều loại hình: khắc vạch, văn thừng, 2 đường thẳng song song, hình thoi, hình tam giác, trổ ống rạ, chấm tròn, đường cong hình chữ “S” hoặc những đường cong trong có chấm tròn nhỏ nối nhau. Các họa tiết này được kết hợp với nhau thành những mô típ dạng dải phong phú và độc đáo, trang trí thành băng chạy xung quanh mặt ngoài miệng, cổ, vai và thân gốm. Các dạng họa tiết này được người Jrai kế thừa và thể hiện trên các vật dụng, sản phẩm hàng ngày trong cuộc sống.

Nếu như trên gốm văn hóa Biển Hồ nhiều họa tiết kết hợp với nhau tạo thành dải bao quanh các sản phẩm đồ đựng thì trên nền dệt thổ cẩm của người Jrai họa tiết dạng dải được trang trí chạy dọc theo viền mép của thảm dệt hoặc bao quanh trên các sản phẩm đan lát, đồ dùng sinh hoạt khác như tẩu thuốc, vỏ đựng dao, kiếm.

Họa tiết hình quả trám trên gốm văn hóa Biển Hồ tương đồng với họa tiết hình thoi trên thổ cẩm người Jrai, họa tiết ấn lỗ tròn nối tiếp trên gốm tương đồng với họa tiết kơtoai krâu (cổ chim cu), kdroi tut (chấm nối nhau) mà người Jrai thường sử dụng; các loại họa tiết hình tam giác, những đường thẳng song song, chéo nhau trên gốm văn hóa Biển Hồ đều xuất hiện trên trang phục, đồ đan lát của người Jrai hiện nay.

z6031746155389-3e107f2702c569f2bed006c4ddfa73f7.jpg
Người Jrai ở Pleiku vẫn thực hành nghề làm gốm truyền thống. Ảnh: X.T

Có thể nói, đời sống của cộng đồng người Jrai ở cao nguyên Pleiku ngày nay có những ảnh hưởng hoặc mang những dấu ấn, nét tương đồng nhất định của cư dân cổ xưa thuộc văn hóa Biển Hồ cách đây hàng ngàn năm.

Trong một công trình nghiên cứu đã công bố, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân nhận định: Có nhiều khả năng đến hậu kỳ Đá mới-sơ kỳ Kim khí, sau một quá trình thiên di lâu dài, tổ tiên của những người Jrai đã có mặt ở Pleiku, trở thành chủ nhân của nền văn hóa khảo cổ học quan trọng trên cao nguyên này và còn để lại dấu ấn khá đậm nét trong đời sống hiện đại.

Có thể bạn quan tâm