Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Lễ báo hiếu của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku, hiện nay, làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) và làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ) còn thực hành lễ báo hiếu. Lễ được người dân tổ chức vào lúc nông nhàn, thường là sau khi thu hoạch mùa màng. Đây là lễ chỉ tổ chức một lần trong cuộc đời của mỗi người mà bất cứ con trai hay con gái sau khi lập gia đình đều phải thực hiện.

Theo thời gian, lễ báo hiếu đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử của cộng đồng người Jrai, mang đậm tính truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc.

1-8951.jpg
Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền

Thông thường, khi có đủ điều kiện để làm lễ báo hiếu, người con sẽ bàn bạc với cha mẹ về việc tổ chức, nhất là chọn ngày. Đến ngày làm lễ, gia đình người con mang lễ vật và mời thầy cúng đến tiến hành nghi lễ.

Người con đặt một ghè rượu ngon giữa nhà và bắt đầu mổ gà và heo, nếu có điều kiện thì mổ bò. Phần tiết con vật cúng được bôi lên ghè rượu, lấy một phần gan sống của các con vật đem xâu vào cây tre rồi cột trên miệng ghè để cúng ông bà tổ tiên và một phần đem ra ngoài sân cúng thần linh. Thịt được nướng, xâu vào cây tre rồi cùng cột vào cây nơi buộc ghè rượu.

Thầy cúng sắp xếp vị trí ngồi, trải 2 chiếc chiếu, 1 chiếc cho cha mẹ ngồi, 1 chiếc cho người con. Thầy cúng sẽ lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng rồi phẩy rượu lên cha mẹ và con. Sau khi hỏi người con và cha mẹ, thầy cúng bắt đầu đọc lời khấn. Thầy cúng tiếp tục lấy một nhánh lá rừng nhúng vào ghè rượu rồi vẩy lên người cha, người mẹ và các con. Điều này mang ý nghĩa thần linh ban phước lộc, sức khỏe cho họ.

Khi các nghi lễ xong xuôi, thầy cúng vít cần rót rượu ra chén đổ xuống dưới đất mời các vị thần linh. Sau đó, người con trai, con gái mời cha, mẹ uống rượu ghè trước. Tiếp đó, dân làng chung vui tiệc rượu với gia đình, cùng chúc nhau được mạnh khỏe, an lành, mùa màng tốt tươi. Lúc này, tiếng cồng, tiếng chiêng được tấu lên, các cô gái nắm tay nhau mở rộng vòng xoang, cùng ăn uống no say đến thâu đêm.

Theo phong tục của người Jrai xưa, lễ báo hiếu cần rất nhiều heo, gà, rượu ghè để đãi họ hàng và cả dân làng ăn uống trong 3 ngày nên rất tốn kém. Ngày nay, lễ báo hiếu vẫn được thực hiện nhưng 1 năm chỉ có 1 đến 2 lễ và nghi thức được rút gọn.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền-Cán bộ Văn hóa phường Thắng Lợi-cho biết: “Lễ báo hiếu là nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Jrai. Truyền thống đạo hiếu của gia đình và cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng này. Trong lễ báo hiếu, tấm váy, áo thổ cẩm là món quà ý nghĩa thể hiện tình yêu thương, lòng kính trọng và lòng biết ơn của con cái dành cho đấng sinh thành”.

laychuan-logo-ban-sac-va-hien-dai-8651.jpg

Có thể bạn quan tâm