Điểm đến Gia Lai

Đặc sản cá bống tượng Đak Pơ Kơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu như Quảng Ngãi nức tiếng với cá bống sông Trà, đồng bằng sông Cửu Long có cá bống trứng, cá bống mú… thì trên dòng Pơ Kơ (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), cá bống tượng được xem là đặc sản mới của vùng đất này với kích cỡ “khủng” 5 kg/con.  
Sông Pơ Kơ (tên gọi khác Ba Cơ) là phụ lưu bên bờ trái của sông Ba, khởi nguồn từ các con suối với nhiều tên gọi khác nhau ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) và xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai), chảy uốn lượn về hướng Tây Nam. Dòng Pơ Kơ đoạn ranh giới giữa xã Ya Ma và xã Sró (huyện Kông Chro) như rộng ra nhờ tiếp nhận thêm nguồn nước từ suối Đak Ma Ta và Đak H’Way rồi hòa mình vào sông Ba.
Từ bao đời nay, dòng Pơ Kơ cần mẫn mang nước về tưới mát cho những ruộng đồng, nương rẫy và sản sinh ra những sản vật dâng tặng người dân sinh sống ở đôi bờ. Sông Pơ Kơ cũng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn thị trấn Kông Chro.
Sông Pơ Kơ. Ảnh: Lê Anh
Sông Pơ Kơ. Ảnh: Lê Anh
Nhắc đến sản vật sông Pơ Kơ, không thể bỏ qua các loài “vang bóng một thời” như: cá chình, cá đá, cá lúi… Nói “vang bóng một thời” là bởi trong 5 năm trở lại đây, các loại cá này đã gần như biến mất trên dòng sông này. Thế nhưng, sự tiếc nuối về những sản vật đã dần ít đi của người dân nơi đây lại được dòng Pơ Kơ bù đắp lại với các loại sản vật khác, đặc biệt là loại cá bống tượng mang những nét rất riêng của dòng sông.
Đã 10 năm định cư bên dòng Pơ Kơ và lấy nghề chài lưới làm kế mưu sinh, với vợ chồng ông bà Lê Văn Hoa-Lê Thị Hường (xã Ya Ma, huyện Kông Chro), từng khúc sông, mép nước đã trở nên thân thuộc. Vừa trở về sau một đêm trắng cùng chồng “săn” sản vật trên dòng Pơ Kơ, bà Hường tâm sự: “Trước đây, sông Pơ Kơ có các loại cá quý như cá chình, cá đá, nhưng giờ đây gần như mất dạng. Cá bống tượng thì mới xuất hiện nhiều trong một vài năm trở lại đây, thường tập trung từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Cũng như những nơi khác, cá bống tượng trên dòng Pơ Kơ có thân tròn, dài, đầu to, thân điểm nhiều màu đen, vằn nâu.
Loài cá này sống ở đáy sông và thường kiếm ăn vào ban đêm nên để đánh bắt thì từ 18 giờ ngư dân đi thả lờ dọc các khúc sông và chờ đến 4-5 giờ sáng hôm sau để kéo lưới. Ở đây, có hơn 10 thuyền thường trực đi đánh bắt, có người ở thị xã An Khê vào làm nghề. Thuyền ít thì thả 20-30 cái lờ, thuyền nào nhiều thì thả gần 100 cái, ngày nào thời tiết nắng ấm và may mắn thì kiếm được hơn 10 kg các loại cá, tôm, cua, trong đó cá bống tượng là nhiều nhất”.  
Cá bống tượng. Ảnh: K.N.B
Cá bống tượng. Ảnh: K.N.B
Điều đặc biệt của cá bống tượng ở sông Pơ Kơ là khi sống trong môi trường tự nhiên, loài cá này chỉ có trọng lượng trung bình mỗi con từ khoảng 200 gram cho đến hơn 1 kg nhưng khi sống ở sông Pơ Kơ có trọng lượng từ 1 kg đến 5 kg là điều không hiếm gặp.
Là đầu mối chuyên đi mua cá của các ngư dân, ông Trần Văn Tài (tổ 1, thị trấn Kông Chro) cho biết: “Vài năm trở lại đây, lượng cá bống tượng người dân đánh bắt được khá nhiều, bình quân một ngày tôi thu mua từ 20 kg đến 30 kg. Giá trị cá tùy theo trọng lượng và tùy vào thời điểm, nhưng bình quân loại từ 2 lạng đến 4 lạng/con có giá 40.000 đồng/kg, loại từ 5 lạng đến 6 lạng giá 100 ngàn đồng/kg, loại từ 7 lạng đến 1 kg có giá 130 ngàn đồng/kg, loài từ 1,5 kg đến 5 kg thì có giá trị cao hơn...
Thời gian gần đây, cá bống tượng cũng được nhiều người ưa chuộng, khách hàng không chỉ có trên địa bàn huyện mà cả ở TP. Pleiku và TP. Hồ Chí Minh nên thường xuyên “cháy hàng”, đặc biệt là các loại cá trên 1 kg/con”.
Sản vật thu được sau một đêm đánh bắt của ngư dân xã Ya Ma (huyện Kông Chro). Ảnh: Lê Anh
Sản vật thu được sau một đêm đánh bắt của ngư dân xã Ya Ma (huyện Kông Chro). Ảnh: Lê Anh
Cá bống tượng có thể chế biến thành nhiều món ngon độc đáo. Đối với loại cá bống tượng có trọng lượng thấp, phổ biến và ngon nhất là cá bống kho gừng, kho tiêu dùng trong bữa cơm gia đình; với những loại cá trọng lượng lớn có thể chế biến nhiều món như nấu cháo, nấu lá giang, hấp, nướng muối ớt...
Mỗi món ăn đều có một hương vị khác nhau, tùy theo cách chế biến và khẩu vị của người ăn, nhưng muốn làm những món này, phải chọn cá còn tươi sống, cạo vảy, làm sạch ruột, để nguyên con rồi ướp gia vị cho thấm đều trước khi nấu. Cá càng lớn thịt càng săn chắc nên người ta thường chọn những con từ 7 lạng trở lên để chế biến.
Trong chuyến công tác về huyện Kông Chro vào những ngày cuối năm, dưới làn mưa lất phất và tiết trời se lạnh, tôi may mắn được thưởng thức món cá bống tượng có trọng lượng gần 2 kg nấu lá giang mà theo lời người bạn đồng hành là: “Món ngon này phải đặt trước vài ngày mới có để đãi khách phương xa”.
Chỉ với những nguyên liệu giản đơn như: lá giang, ngò gai, ớt xanh, gừng thái nhỏ và ít gia vị mà món ăn cuốn hút lạ thường, giúp cho người ăn có cảm giác thú vị, càng ăn càng thích tìm tòi và khám phá. Ngon không chỉ vì thịt cá bống tượng có màu trắng tinh, thớ thịt dày, ít xương dăm mà còn nhờ có sự hòa quyện giữa các nguyên liệu như vị chua dịu của lá giang, vị cay của ớt, mùi thơm của gừng, ngò gai và vị ngọt tự nhiên của thịt cá để giúp kích thích vị giác của thực khách.
Tìm hiểu sâu hơn, theo Đông y, các loài cá bống đều có tính bình, vào tỳ vị, can thận, có tác dụng kiện tỳ ích khí, cường kiện gân cốt nên nhiều người không ngần ngại ban tặng cho loài cá bống tượng là đặc sản mới của vùng sông nước Kông Chro.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm