Đại dịch COVID-19 đang khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giới khi phụ nữ ở các nước thành viên chiếm một lượng đông đảo trong đội ngũ nhân viên y tế và các việc làm khác trên tuyến đầu.
Một nữ y tá làm viêc tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 29/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo báo cáo thường niên về bình đẳng giới của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 5/3, đại dịch COVID-19 đang khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giới khi phụ nữ ở các nước thành viên chiếm một lượng đông đảo trong đội ngũ nhân viên y tế và các việc làm khác trên tuyến đầu phòng chống dịch.
Báo cáo của EU nêu rõ: "Đại dịch COVID-19 đã tác động một cách bất công đến đời sống của người phụ nữ. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy những thành tựu khó khăn lắm mới giành được trong những năm qua (về bình đẳng giới) đã bị đảo ngược... những tiến bộ về quyền của nữ giới nhọc nhằn lắm mới đạt được nhưng lại dễ dàng mất đi."
Báo cáo cho biết những rủi ro đối với sức khỏe của phụ nữ đã gia tăng khi họ phải đối mặt với một "núi" công việc đồ sộ cũng như thách thức làm sao cân bằng giữa công việc và gia đình.
Phụ nữ cũng đảm nhiệm công việc chăm sóc gia đình nhiều hơn trong thời gian các lệnh phong tỏa được áp đặt.
Họ trở thành nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình gia tăng ở Pháp, Litva, Ireland và Tây Ban Nha trong thời gian lệnh phong tỏa đầu tiên được áp đặt tại châu Âu vào mùa Xuân 2020.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng là người thường làm những công việc đòi hỏi sự tiếp xúc cá nhân nhiều hơn so với nam giới. Do vậy, họ chịu tác động lớn nhất của các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Báo cáo nêu rõ: "Phụ nữ hiện diện quá nhiều trong những ngành được trả lương thấp hơn như khách sạn, nhà hàng, bán lẻ hay các dịch vụ tư nhân, khiến họ là đối tượng bị tổn thương nặng nề trong thị trường lao động vốn chịu tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19".
Số phụ nữ có việc làm tại các nước EU cũng giảm nhẹ hơn so với nam giới vào thời kỳ đầu dịch bệnh COVID-19 bùng phát và họ gặp khó khăn hơn khi tìm kiếm công việc mới.
Trong khi đó, những ngành dịch vụ không bị gián đoạn trong đại dịch do tính chất đặc thù hoạt động như ngành thông tin, liên lạc, tài chính và bảo hiểm lại chủ yếu tuyển nhân viên là nam giới.
Báo cáo cảnh báo rằng xu hướng này có thể khiến lương hưu của phụ nữ thấp hơn so với nam giới, làm gia tăng khoảng cách giới về lương hưu và các bất công khác trong những thập kỷ tới.
Theo Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)