Chuyện tỉnh Lâm Đồng giao doanh nghiệp làm dự án du lịch trên diện tích 3.500ha đất rồi để mất 257ha đất rừng đến nay vẫn còn nóng. Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ các sai phạm liên quan đến dự án 25.000 tỉ đồng này, nhưng đến nay việc xử lý hậu quả vẫn còn nhiều bất cập.
Siêu dự án 25.000 tỉ đồng của Công ty Sài Gòn Đại Ninh làm mất 257ha rừng của Lâm Đồng. Ảnh: Quốc Khánh |
Hàng trăm ha rừng “bốc hơi”
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh) là của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) được thành lập năm 2010 tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Trong tổng số 3.595ha đất được địa phương giao cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh làm dự án, có đến hơn 1.000ha rừng, trong đó có 342ha rừng tự nhiên.
Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lâm Đồng có báo cáo về tình trạng “chảy máu" rừng tại khu vực Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh. Cụ thể, doanh nghiệp để xảy ra tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng với diện tích 166ha, trong đó diện tích bị phá là 140ha, bị lấn chiếm là 25ha.
Đến tháng 4.2020, UBND tỉnh Lâm Đồng phát hiện con số đã lớn gấp đôi so với báo cáo của ngành nông nghiệp nêu trước đó. Cụ thể, Công ty Sài Gòn Đại Ninh để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 368ha (phá rừng 257ha, lấn chiếm 111ha).
Siêu dự án 25.000 tỉ đồng của Sài Gòn Đại Ninh làm mất 257ha rừng. Ảnh: Quốc Khánh |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng (Sở KHĐT), việc Công ty Sài Gòn Đại Ninh nhận bàn giao rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, thiệt hại tài nguyên rừng là vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Về phía mình, Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho rằng, đã ký nhận rừng trên văn bản giấy tờ mà không kiểm tra thực địa, khẳng định số lượng rừng và lâm sản bị mất theo kết luận thanh tra là không thực tế.
Chủ đầu tư không có năng lực tài chính
Tính đến tháng 10.2018, Công ty Sài Gòn Đại Ninh nợ hơn 262 tỉ đồng, trong đó tiền sử dụng đất nợ từ năm 2014 là hơn 158 tỉ đồng, tiền phạt chậm nộp là hơn 104 tỉ đồng, thi công chậm tiến độ theo Giấy chứng nhận đầu tư (đến ngày 31.12.2018, dự án đã hết hạn đầu tư), nợ tiền bồi thường lâm sản và môi trường rừng với số tiền hơn 6 tỉ đồng…
Cũng vì lý do này nên trong kết luận vào tháng 6.2020, Thanh tra Chính phủ nhận định, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không có năng lực tài chính, không có khả năng thực hiện dự án và đề nghị tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án.
Sau khi Thanh tra Chính công khai kết luận, tháng 11.2020, Sở KHĐT Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh chấm dứt hoạt động Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh.
Dự án Sài Gòn - Đại Ninh có diện tích gần 3.600ha tại 4 xã thuộc huyện Đức Trọng. Ảnh: Quốc Khánh |
Trong thời gian này, Công ty Sài Gòn Đại Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng cho tiếp tục thực hiện dự án và xin được phục hồi nghĩa vụ tài chính. Kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh sau đó được tỉnh Lâm Đồng thống nhất.
Đến tháng 7.2021, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Kết luận thanh tra năm 2020 về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có dự án Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh.
Thanh tra Chính phủ bổ sung theo hướng đề nghị tỉnh Lâm Đồng không thu hồi đất đối với dự án này. Tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, hoàn thành dự án theo đúng cam kết…
"Trường hợp công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định…” - trích kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Liên quan đến các sai phạm tại dự án Công ty Sài Gòn Đại Ninh, UBND tỉnh Lâm Đồng đang giao cho Sở NNPNT, Sở TNMT, Sở KHĐT, Cục Thuế tỉnh rà soát lại việc triển khai dự án sao cho phù hợp với kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng - cho biết, liên quan đến tiền thuê đất tại Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh đến nay chủ đầu tư đã nộp đầy đủ. Tuy vậy, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng đang tính toán lại tiền sử dụng đất sao cho phù hợp quy định.
“Quan điểm là ngành thuế cùng với các cơ quan ban ngành sớm tìm cách tháo gỡ khó khăn tại dự án này theo tinh thần vừa đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, vừa xử lý theo đúng quy định” - ông Trần Phương nói.
Liên quan đến việc có chuyển cơ quan công an điều tra việc chủ đầu Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh để mất 257ha đất rừng hay không, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPNT tỉnh Lâm Đồng - cho rằng, cần xác định lại diện tích đất trên là đất rừng trồng hay rừng tự nhiên. Khi xác định rõ trữ lượng rừng, từ đó mới có cơ sở xử lý tiếp theo.
HỮU LONG (LĐO)