Thể thao

Thể thao cộng đồng

Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII: Nóng chuyện 'mua phiếu'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu chuyện Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII tưởng chừng đã êm xuôi khi Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã chính thức ra tranh cử chức Chủ tịch VFF. Tuy nhiên, những băn khoăn nơi các ứng viên tranh cử ghế Phó chủ tịch VFF (PCT) và nhất là sau phát biểu của ông Nguyễn Húp (Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam) lại đang khiến dư luận dậy sóng.
 
Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam Nguyễn Húp. (Ảnh: Lê Cường).
Chờ cương lĩnh tranh cử cho vị trí Chủ tịch VFF
Bộ VH-TT&DL đã hoàn tất quy trình, thủ tục giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải tranh cử chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 8. Theo thông tin từ VFF cho hay, dự kiến đại hội sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Hiện công tác chuẩn bị cho Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 đang được gấp rút hoàn tất và Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải vẫn là ứng cử viên duy nhất cho vị trí chủ tịch VFF. Các vị trí khác vẫn không có biến động ở các ứng viên.
Trước thềm Đại hội VFF khoá VIII, đã có ít nhất 2 ứng viên tham gia tranh cử ở vị trí Phó Chủ tịch truyền thông, Phó Chủ tịch tài chính công bố đề án tranh cử. Chính bởi vậy nhiều người cũng hy vọng sẽ được xem đề cương tranh cử của Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Trước thời điểm nhận lời tranh cử Chủ tịch VFF, Thứ trưởng Lê Khánh Hải từng trả lời báo chí, Chủ tịch VFF cần có đề án tranh cử, chiến lược phát triển bóng đá với các mục tiêu cụ thể, “không nói suông”. Ông Lê Khánh Hải cũng đề ra một loạt vấn đề của bóng đá Việt Nam đối với các lãnh đạo VFF. Dư luận vì vậy hiện đang rất trong đợi ông Lê Khánh Hải sẽ thực hiện các công việc trên khi ra tranh cử. Có thể, khi công khai đề án của các ứng viên lúc này có thể chưa hoàn thiện nhưng đây được coi là sự đột phá tại đại hội này. Nói vậy bởi đề án là cách để dư luận biết các ứng viên là ai, năng lực ra sao và có thể làm gì cho bóng đá VN nếu được đại hội bầu.
Ghế phó vẫn nóng
Ở các chức danh PCT, ông Trần Quốc Tuấn (hiện đang là PCT phụ trách chuyên môn VFF) là ứng viên sáng giá cho vị trí PCT phụ trách chuyên môn. Những người cũng sẽ tranh cử vị trí này là các ông Dương Vũ Lâm và Phạm Ngọc Viễn (đều là các cựu PCT VFF phụ trách mảng nói trên, ở các nhiệm kỳ khác nhau). Cho đến giờ phút này, đương kim Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn dường như đã nguôi ngoai và vui vẻ trở lại sau nỗi buồn bị “đánh cho tơi tả” phải rút lui không ứng cử vị trí chủ tịch VFF. Ghế PCT phụ trách chuyên môn khó vuột khỏi tầm tay ông Tuấn “tổng”. Xét cho cùng, thời điểm này, trong số ứng cử viên như các ông Phạm Ngọc Viễn, Dương Vũ Lâm thì ông Tuấn nổi trội hơn về sức trẻ, tư duy, khả năng đối nội đối ngoại. Nếu như ông Tuấn không có đối thủ đủ tầm thì ghế Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông, phụ trách tài chính gay cấn hơn. Ứng viên cho vị trí PCT phụ trách truyền thông và đối ngoại là các ông Nguyễn Lân Trung (cựu PCT VFF), Nguyễn Văn Phú (Tổng biên tập báo Bóng Đá), Cao Văn Chóng (cựu Tổng giám đốc VPF) và Phan Anh Tú (Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội). Riêng ứng viên cho ghế PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ vẫn có tên ông Cấn Văn Nghĩa (nguyên Giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia). Do ông Cấn Văn Nghĩa đã về hưu, nên ông Nghĩa sẽ tham gia tranh cử với tư cách “thí sinh tự do”. 
Vị trí PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ là vị trí rất quan trọng trong ban điều hành của VFF. Vị trí này đòi hỏi không chỉ giỏi vận động tài trợ, mà còn rất cần những con người giàu kinh nghiệm, am hiểu ở lĩnh vực thể thao, có khả năng điều hành, quản lý tài chính và nhất là tâm huyết với công việc. Chính bởi vậy, trường hợp ứng cử của ông Cấn Văn Nghĩa đang để lại nhiều nghi ngại nhất khi những lùm xùm trong việc cho thuê mặt bằng khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cũng như những khoản nợ đọng thuế dưới thời ông làm giám đốc vẫn đang gây tranh cãi.
Theo đó, Khu LHTTQG Mỹ Đình hiện đang vướng vào vụ bê bối tiền thuê đất hơn 314 tỷ đồng và nợ thuế gần 70 tỷ đồng. Theo xác định của cơ quan chức năng, dưới thời ông Cấn Văn Nghĩa, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã cho thuê đất trái phép, thường xuyên gây lùm xùm vì hoạt động cho thuê mặt bằng để mở quán nhậu, bia hơi, dịch vụ massage… gây mất mỹ quan đô thị, từng bị chính quyền địa phương nhắc nhở nhiều lần và không thông qua Bộ Tài chính.
Cần nhắc lại là các nhiệm kỳ gần đây, PCT tài chính VFF thường do một doanh nhân lớn đảm nhận. Ở nhiệm kỳ VII là Chủ tịch tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức và trước ông Đức là ông Lê Hùng Dũng. Đây đều là những doanh nhân đã để lại những dấu ấn khi ngồi vào ghế phó tài chính. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi còn là phó phụ trách tài chính đã nhen nhóm ý định theo mô hình bóng đá Nhật Bản, sau này đã được ông cụ thể hoá với việc ký kết chương trình hợp tác chiến lược toàn diện với LĐBĐ Nhật Bản. Sau đấy, một loạt các doanh nghiệp Nhật Bản đã xuất hiện để hợp tác, tài trợ cho VFF theo một định hướng mang tầm chiến lược. Còn dấu ấn của bầu Đức cũng không hề nhỏ, dù gần như cả nhiệm kỳ không đụng tay vào việc ở VFF. Chính ông là người đã góp công trong việc chọn 2 đời HLV trưởng ĐTQG gần nhất mà HLV Park Hang Seo là một thành công lớn.
Bên cạnh đó, ông bầu phố Núi cũng kết nối để chính VP Milk trở thành nhà tài trợ cho VFF từ năm 2017 đến nay. Vì vậy, để một cán bộ đã nghỉ hưu, từng quản lý một đơn vị có nhiều vấn đề về tài chính ra tranh cử chiếc ghế liên quan đến tiền ở một tổ chức xã hội-nghề nghiệp như VFF thực sự đang khiến dư luận băn khoăn và mong chờ những lá phiếu thực sự công tâm ở Đại hội tới đây.
Nóng chuyện “mua phiếu”
Không những vậy, sau những dư âm không tốt về khâu chuẩn bị đại hội VFF nhiệm kỳ VIII trước đó chưa lắng xuống thì mới đây lại dấy lên thông tin có ứng viên phó chủ tịch “chạy phiếu” nhằm thắng ghế? Mọi chuyện bắt đầu từ phát biểu của ông Nguyễn Húp – Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam khi nói thẳng là nếu ứng viên Lê Khánh Hải trúng cử chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII thì một trong những điều “cốt tử” là các “phó tướng” của ông phải trong sạch, không vướng chuyện này chuyện khác. Theo ông Húp, thời gian qua đã có ứng viên tranh cử một trong 3 chức Phó Chủ tịch VFF theo kiểu đi “mua phiếu”. “Tôi xin chia sẻ thẳng thắn, không hề e ngại là thời gian qua đã có ứng viên tranh cử một trong 3 chức phó chủ tịch VFF theo kiểu đi “mua phiếu”. Mà đã đi mua phiếu, nghĩa là nếu vào được VFF sẽ tìm cách “lấy lại” những gì đã mất. Thật nguy hại. Tại đại hội, tôi sẽ phát biểu điều này để đại hội xem xét có nên bỏ phiếu cho những ứng viên như vậy không” - ông Húp đã phát biểu trên tờ Thanh Niên.
Quan điểm của vị giám đốc điều hành này là đã đi "mua phiếu", nghĩa là tới khi ngồi vào ghế ở VFF sẽ tìm cách “vơ vét”, mà điều này rất nguy hại. Ngoài ra, ông Húp cũng tiết lộ, nếu mọi việc không được ngăn chặn thì sẽ cho "nổ phát pháo" nữa ở kỳ đại hội tới để đại hội xem xét có nên bỏ phiếu cho những ứng viên như thế không. Thực chất, đây là vấn đề không mới bởi một số kỳ đại hội trước đó từng râm ran về nó, nhưng cái mới là có người như ông Húp đã nói thẳng ra…
Ông Húp cho rằng chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới phải xây dựng được một bộ máy quản lý, điều hành thực chất, năng động, sáng tạo và hiệu quả. Chọn người cho VFF phải trẻ, khỏe, có tâm, có tầm, đầy nhiệt huyết với bóng đá nước nhà. Không nên để VFF nhiệm kỳ đến là “tổ hưu” hay thành phần cơ hội. Phát biểu của ông Nguyễn Húp thực sự đáng lưu tâm trong bối cảnh đại hội VFF sắp diễn ra. Bộ VH-TT&DL cũng như VFF cần phải xem xét và làm rõ việc có hay không hiện tượng “mua phiếu” ở đại hội tới đây? Ai, số tiền bỏ ra bao nhiêu và cả số lượng người “chạy phiếu”? Hơn lúc nào hết, “nghi án” trên cần được cơ quan chức năng làm rõ ngay thời điểm này thay vì cố bưng bít rồi để cái sảy nảy cái ung sẽ gây ra hệ quả khôn lường, tác động tiêu cực đến cả nền bóng đá.  
Thanh Hà (Đại đoàn kết)

Có thể bạn quan tâm