(GLO)- Nhân Đại lễ Vu lan Phật lịch 2562-Dương lịch 2018, Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Giác Hiền-Phó Trưởng Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Văn hoá Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai về một số nội dung liên quan và xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên (PV): Xin Thượng tọa cho biết ý nghĩa của mùa Vu lan?
Thượng tọa Thích Giác Hiền: Đạo Phật đã có mặt lâu đời trên đất nước ta đã hơn 2.000 năm. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca từng bước hoà nhập vào đời sống văn hoá của người Việt một cách hài hoà và sâu sắc, tạo cho nền văn hoá Việt Nam một đặc trưng vừa mang đậm nét dân tộc và dấu ấn của Phật giáo. Mỗi năm cứ đến dịp rằm tháng 7 âm lịch, Đại lễ Vu lan như một nét văn hoá hướng về cội nguồn, ăn sâu vào nếp sống gia đình của người Việt và ý nghĩa ấy đã trở thành nét văn hoá ứng xử hàng ngày của con người.
Mùa Vu lan còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam - là dịp để mọi người dành nhiều thời gian hơn nghĩ về ân nghĩa sinh thành, ơn cha nghĩa mẹ là căn bản đạo lý của mọi tình cảm yêu thương. Đây cũng là nền tảng nhân bản, gắn liền với đời sống mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, được nhiều dân tộc trên thế giới đón nhận.
Tăng ni và phật tử trong dự Lễ Vu lan. Ảnh: Thanh Nhật |
Ngoài các giá trị tư tưởng về mặt tôn giáo, ý nghĩa xã hội của Đại lễ Vu lan thể hiện rõ nhất là việc chú trọng giáo dục đạo lý truyền thống trong mỗi con người, con cháu hiếu kính làm tròn bổn phận của mình với tổ tiên và ông bà, cha mẹ. Mỗi người chúng ta phải luôn phấn đấu xây dựng một đời sống bản thân và gia đình sao cho tròn hiếu đạo, cho xứng đáng với ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Đồng thời giáo lý của Phật giáo cũng nhấn mạnh ý nghĩa “Vu lan báo hiếu Tứ Trọng Ân”-trong đó có ân Quốc gia và Dân tộc, nhằm giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các bậc tiền bối và các thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu cho quê hương đất nước được an bình, cuộc sống mọi người được ấm no hạnh phúc…
PV: Thưa Thượng tọa, cùng với Vu lan, mùa An cư kiết hạ của Chư Tôn Đức Tăng Ni tại Gia Lai được triển khai như thế nào?
Thượng tọa Thích Giác Hiền: Thực hiện Thông bạch của Hội Đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo truyền thống và Luật Phật chế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tổ chức cho Chư tôn đức Tăng Ni an cư kiết hạ Phật lịch 2562, là mùa tu học tập trung của toàn thể tăng ni trong thời gian 3 tháng, từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 âm lịch. Mùa An cư kiết hạ năm nay diễn ra ở 5 điểm gồm: Tịnh xá Ngọc Phúc, Chùa Bửu Thắng và Bửu Sơn (TP.Pleiku), Chùa Bửu Tịnh (Thị xã Ayun Pa), Tịnh xá Ngọc Trung (Thị xã An Khê). Tất cả có hơn 350 vị giáo phẩm và đại chúng tăng ni các chùa, tịnh xá toàn tỉnh cùng thực hiện mùa tu học tập trung để trau dồi giới, định, tuệ và đạo hạnh...
Nghi thức cài hoa hồng trong Lễ Vu lan. Ảnh:Thanh Nhật |
Trong dịp này, Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho gần 200 vị tăng ni an cư tại các điểm an cư kiết hạ trên địa bàn tỉnh. Các tăng ni đã được phổ biến nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, các chức sắc, tăng ni Phật giáo còn được trao đổi, giải đáp các vấn đề liên quan về thực hiện Luật và Nghị định, gắn với thực tế sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo tại địa phương...
Ban Trị sự rất phấn khởi là việc tổ chức An cư kiết hạ, cũng như lễ Vu lan trong toàn tỉnh đã được cơ quan ban ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện, đúng như chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
PV: Nhân dịp Vu Lan, Thượng tọa có điều gì gửi gắm với tăng ni, phật tử?
Thượng tọa Thích Giác Hiền: Mùa Vu lan diễn ra trong thời điểm đồng bào cả nước và địa phương long trọng kỷ niệm 73 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9. Năm nay cũng là năm kỷ niệm tròn 55 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân (1963-2018) cúng dường Tam bảo, cầu nguyện Đạo pháp trường tồn, nước nhà độc lập, thống nhất, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Vu lan về, mỗi chùa, tịnh xá, tịnh thất trên địa bàn tỉnh, từ ngày mồng 8 đến rằm tháng 7 âm lịch, tuỳ theo điều kiện thực tế mà tiến hành trang trí và các hoạt động nghi lễ, thuyết pháp về Vu lan báo hiếu, văn hoá - văn nghệ, phóng sinh, bông hồng cài áo, cầu nguyện hoà bình quốc thái dân an, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội hướng về người nghèo khó, neo đơn, tàn tật, cầu siêu bạt độ cho các âm hồn để được siêu thoát và hương hồn các anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn…
Ảnh: Thanh Nhật |
Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, tôi hoan hỷ kính chúc Chư Tôn Đức giáo phẩm và toàn thể tăng ni pháp thể an khương và phật tử tỉnh nhà nhiều hạnh phúc, tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc của mùa Vu lan báo hiếu tứ ân và đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, dành thời gian chuyên tâm cho việc tu tập, rèn luyện của mỗi bản thân.
Đồng thời, phấn đấu làm tròn nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ quốc, thực hiện nếp sống “Tốt đời - Đẹp đạo”, phát huy truyền thống đoàn kết, sinh hoạt tôn giáo đúng hiến chương Giáo hội và nội quy Ban Tăng Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như các quy định và đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” do Trung ương Giáo hội đề ra, góp phần xây dựng quê hương đất nước và Giáo hội vững mạnh. Kính chúc quý vị mùa Vu lan thân tâm thường an lạc.
PV: Xin cảm ơn Thượng tọa.
Thanh Nhật (Thực hiện)