Điểm đến Gia Lai

Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai: 45 năm vươn xa cánh sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông tin nhanh nhạy, chính xác, hấp dẫn… là những ấn tượng của khán thính giả đối với các chương trình trên 2 làn sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Gia Lai. 45 năm kể từ ngày phát sóng chương trình đầu tiên (10/11/1976-10/11/2021) đến nay, tập thể cán bộ, viên chức Đài PT-TH tỉnh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo để khẳng định và làm nên bản sắc riêng có.

Từ “không” đến “có”

Đài PT-TH Gia Lai, tiền thân là Đài Phát thanh Gia Lai-Kon Tum được thành lập theo Quyết định số 48/TC-UB ngày 27-7-1976 của UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Tuy nhiên, đến ngày 10-11-1976, Đài mới chính thức phát đi tiếng nói đầu tiên trên sóng phát thanh bằng 4 thứ tiếng: Kinh, Jrai, Bahnar, Xê Đăng.

Vất vả khắc phục những khó khăn bộn bề sau chiến tranh, đến thời kỳ sau đổi mới vài năm, Đài vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ở tuổi 82, nhà báo Trần Liễm-nguyên Giám đốc Đài PT-TH tỉnh chưa quên những ngày đầu nhận nhiệm vụ. “Tôi được điều về Đài năm 1993 khi đang là Tổng Biên tập Báo Gia Lai. Cơ sở vật chất hồi ấy hầu như không có gì. Anh em làm chương trình chỉ có 1 gian nhà rộng chừng 10 m2, trời mưa phải lấy ni lông che tạm”-nhà báo Trần Liễm hồi tưởng. Khi đó, ngoài tiếp sóng đài Trung ương, kênh riêng của Đài chỉ mới dừng ở 4 buổi/tuần.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài PT-TH tỉnh và các báo, đài tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức vào tháng 9-2020. Ảnh: Minh Nguyễn
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài PT-TH tỉnh và các báo, đài tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức vào tháng 9-2020. Ảnh: Minh Nguyễn


Trước những thách thức ấy, một người làm báo đầy kinh nghiệm như ông Liễm buộc phải đề ra mục tiêu đổi mới quyết liệt. Từ chỗ nghèo nàn về thiết bị, Đài được trang bị 3 máy phát, có ăng ten tự đứng cao 125 m, xây dựng hoàn chỉnh phim trường với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Chương trình địa phương gần như phát sóng liên tục trong ngày với các bản tin thời sự và các chuyên mục kinh tế, văn hóa-văn nghệ, quốc phòng-an ninh… Đặc biệt, ngày 1-5-2001, Gia Lai ra mắt chương trình truyền hình tiếng Jrai, Bahnar, được đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nhiệt tình đón nhận.

Những bước tiến mạnh mẽ của Đài PT-TH tỉnh sau đó luôn có bóng dáng và dấu ấn của các thế hệ lãnh đạo tiếp theo là các ông Đỗ Ngọc Kỳ, Trần Ngọc Nhung. Năm 2006, Trạm phát sóng Hàm Rồng đi vào hoạt động. Tiếp đó là một loạt các sự kiện quan trọng: Ngày 1-9-2011, chương trình truyền hình Gia Lai chính thức phát lên sóng vệ tinh Vinasat-1, mở rộng diện phủ sóng ra phạm vi cả nước và các nước trong khu vực. Ngày 12-10-2017, Đài chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất tại Trạm phát sóng Hàm Rồng. “Để có được thành tựu như ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, Đài PT-TH Gia Lai luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ và theo dõi chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh”-nhà báo Đặng Huy Cường-Giám đốc Đài PT-TH Gia Lai khẳng định.

Những bước tiến nhanh, vững chắc

Sau 45 năm xây dựng và phát triển, Đài PT-TH Gia Lai đã có sự phát triển toàn diện từ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cho đến nội dung chương trình, cơ sở vật chất, công nghệ. Chương trình phát thanh được nâng thời lượng lên hơn 18 giờ/ngày, chương trình truyền hình gần 17 giờ/ngày. Cùng với đó, nhiều chương trình đã ra mắt và được đông đảo khán thính giả cổ vũ, đón nhận như: Thời sự tiếng phổ thông; Chào ngày mới; Thời sự và tổng hợp tiếng Bahnar, Jrai; Dân hỏi, cơ quan nhà nước trả lời; Phim tài liệu; Chương trình Ca nhạc phát thanh; Những bài ca đi cùng năm tháng… Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, tiếng nói của Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, Đài PT-TH tỉnh thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đó là tuyên truyền kịp thời, nhanh nhạy các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong tỉnh. Đặc biệt là tập trung tuyên truyền sâu rộng việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) với mục tiêu “Xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên”. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đài tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong tuyên truyền, động viên kịp thời các lực lượng ở tuyến đầu, tạo niềm tin cho Nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phòng-chống và khống chế dịch bệnh.

2 Biên tập viên, kỹ thuật viên Đài PT-TH chuẩn bị sẵn sàng cho một chương trình truyền hình trực tiếp. Ảnh: Hòa Giang
 Biên tập viên, kỹ thuật viên Đài PT-TH Gia Lai chuẩn bị sẵn sàng cho một chương trình truyền hình trực tiếp. Ảnh: Hòa Giang
Với nỗ lực cống hiến trong chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Đài PT-TH Gia Lai đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; cờ thi đua của Chính phủ; nhiều năm liên tục được UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng cờ thi đua, bằng khen cho các tập thể và cá nhân.

Ở một địa phương có đến hơn 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Gia Lai, chương trình phát thanh và truyền hình tiếng dân tộc đóng vai trò rất quan trọng. Nhà báo Nay HNe-Trưởng phòng Biên tập tiếng dân tộc-cho hay: Từ những chương trình tiếng Jrai, Bahnar đầu tiên, Đài từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trở thành cầu nối của Đảng với người dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài chương trình địa phương, mỗi tháng, Phòng Biên tập tiếng dân tộc còn phối hợp tổ chức sản xuất hơn 10 chương trình truyền hình tiếng Jrai, Bahnar cộng tác với Ban Truyền hình tiếng Dân tộc VTV5-Đài Truyền hình Việt Nam.  

“Khi chất lượng các chương trình ngày càng được nâng cao, vị thế của Đài PT-TH Gia Lai trong khu vực cũng được củng cố”-đó là tâm sự của anh Song Nguyễn-phóng viên Phòng Chuyên đề, Văn nghệ và Giải trí khi nói về bề dày truyền thống đơn vị. Sau 10 năm công tác và cống hiến, nhà báo rất có duyên với giải thưởng này đã cùng cộng sự mang về giải khuyến khích tại Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng); giải C và khuyến khích Giải Báo chí quốc gia; 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc... Nhà báo Song Nguyễn cho hay, anh được cơ quan tạo điều kiện quan tâm, định hướng quá trình xử lý và hoàn thiện tác phẩm. “Đoàn kết làm nên sức mạnh. Hiểu rõ điều này nên các ê kíp luôn có sự hỗ trợ và phối hợp để làm nên những tác phẩm hay. Thời gian tới, cùng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng tuần, hàng tháng, tôi và các đồng nghiệp tiếp tục đầu tư những tác phẩm báo chí chất lượng để phục vụ khán thính giả, nâng cao chất lượng 2 làn sóng”-nhà báo Song Nguyễn bộc bạch.

Để phát huy truyền thống và tiến bước vững chắc, Giám đốc Đài PT-TH Gia Lai nêu định hướng: “Đây là giai đoạn nguồn nhân lực của Đài đồng đều và sung sức nhất, từ phóng viên, biên tập viên đến đội ngũ kỹ thuật, tất cả đều có trình độ đại học trở lên. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ, nhất là về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Về kỹ thuật, từ nay đến đầu năm 2022, Đài tập trung đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất đến phát sóng lên vệ tinh, số hóa mặt đất theo chuẩn HD; tiến tới chuyển đổi số để phục vụ đa dạng đối tượng khán thính giả trên nhiều phương tiện, mọi lúc, mọi nơi. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là đổi mới chương trình, tập trung hợp tác, xây dựng để có những chương trình mới mẻ, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của khán thính giả. Chủ động tạo thêm nguồn thu trong điều kiện khó khăn chung hiện nay cũng là một nhiệm vụ quan trọng, từ đó nâng cao đời sống của cán bộ, phóng viên, người lao động và đầu tư sản xuất chương trình”.

 

Ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:
 

 

Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên, Đài PT-TH Gia Lai đã khẳng định được vị thế là một trong những cơ quan ngôn luận quan trọng của tỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh nhà, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm, sáng tạo vượt qua khó khăn, xây dựng đội ngũ ngày càng vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, giỏi nghề, tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết, sâu sát với thực tiễn đời sống xã hội để phát hiện và phản ánh kịp thời, chính xác những thông tin Đảng cần, dân muốn.
 


Già làng Đinh Lách (làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê):
 

 

Tôi thường xuyên theo dõi Đài PT-TH Gia Lai, thấy có nhiều nội dung bổ ích, nhất là các mô hình phát triển kinh tế để bà con trong làng học tập. Tôi cũng rất thích các chương trình văn hóa, bảo tồn cồng chiêng. Năm nay, dịch Covid-19 phức tạp, Đài đưa tin nhanh gọn, kịp thời. Về chương trình tiếng Bahnar, mỗi vùng có phát âm khác nhau nhưng nghe và xem trên Đài, bà con vẫn hiểu tiếng nói của dân tộc mình, như thế là rất tốt.



Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp:

 

 

Trong quá trình 30 năm hình thành và phát triển của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp luôn có sự đồng hành của báo chí, đặc biệt là Đài PT-TH Gia Lai. Chúng tôi đã phối hợp, cung cấp những thông tin quan trọng về sự phát triển của ngành hàng cà phê, cũng như hoạt động an sinh xã hội của doanh nghiệp. Chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ của Đài trong việc đưa thông tin, hình ảnh của Công ty nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung đến với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Mong rằng trong thời gian tới, đơn vị luôn tiếp tục đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp.


PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm