Xã hội

"Đại thụ" vùng phên giậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã tích cực gương mẫu, đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế-xã hội, chung tay giữ vững quốc phòng-an ninh. Họ thực sự là những “đại thụ” của làng nơi miền biên viễn.
Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng ít ai nghĩ rằng ông Siu Suyl (làng Mook Trang, xã Ia Dom) đã bước qua 70 mùa rẫy. Đã hơn 5 năm nay ông được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Trước đó, ông có nhiều năm làm trưởng thôn, rồi bí thư chi bộ, dù ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên mình phải thường xuyên nhắc bà con đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; không đưa người xuất-nhập cảnh trái phép; nếu phát hiện thì phải báo cho cơ quan chức năng để xử lý”.
Còn già làng Rơ Mah Chê (làng Kro, xã Ia Krêl) cũng là người “miệng nói tay làm”. Già Rơ Mah Chê cho biết: “Nếu gia đình mình nghèo, không biết làm kinh tế thì mình nói bà con sẽ không nghe theo. Chính vì thế, để mọi người tin và nghe theo thì bản thân phải biết sản xuất nâng cao đời sống gia đình; phải đi đầu trong mọi công việc. Hiện nay, nhà mình có hơn 1 ha cao su, 2 ha điều và gần 1 ha cà phê. Bằng kinh nghiệm lao động sản xuất, mình đã vận động hướng dẫn cho bà con làm theo, giúp họ cải tạo vườn tạp, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê để nâng cao thu nhập. Nhờ đó, nhiều hộ trong làng đã vươn lên thoát nghèo”.
Già làng Rơ Châm Tích (ngồi giữa; làng Mook Đen 1, xã Ia Dom) tuyên truyền, vận động các gia đình không để con em tảo hôn. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Già làng Rơ Châm Tích (ngồi giữa; làng Mook Đen 1, xã Ia Dom) tuyên truyền, vận động các gia đình không để con em tảo hôn. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Huyện Đức Cơ có 20 dân tộc anh em sinh sống. Toàn huyện có 10 xã với 73 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó 43 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Đức Cơ đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để phát huy hiệu quả vai trò của già làng, người có uy tín. Hiện nay, huyện Đức Cơ có 43 già làng, người có uy tín được bà con các dân tộc thiểu số tin yêu, tin tưởng. Họ đã dẫn dắt dân làng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 
Hơn 10 năm qua, để phát huy vai trò của đội ngũ này, huyện đã tổ chức 9 lớp tập huấn và 8 hội nghị gặp mặt biểu dương các già làng, người có uy tín. Thông qua hội nghị, các lớp tập huấn, già làng, người có uy tín được bồi dưỡng kiến thức về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo… Từ đây, họ là người gần gũi, truyền đạt lại cho bà con, tích cực phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; hướng dẫn bà con học hỏi các mô hình phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, thông qua các quy ước, hương ước, đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Đức Cơ đã động viên gia đình, dòng họ, con cháu tích cực tham gia các tổ tự quản để bảo vệ an ninh trật tự thôn, làng; xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
Đánh giá về vai trò của già làng, người có uy tín trên địa bàn, ông Siu Luyn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Các già làng, người có uy tín đã tích cực vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm các công trình công cộng. Những già làng, người có uy tín như Rơ Châm Tích (làng Mook Đen 1), Siu Suyl (làng Mook Trang, xã Ia Dom), Rơ Mah Duen (làng Dơk Ngol, xã Ia Dơk), Ksor Yêk (làng Chan, xã Ia Pnôn)… đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế. “Thời gian tới, huyện sẽ có những chính sách cụ thể để động viên, khích lệ các già làng, người có uy tín, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân, qua đó góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh”-ông Luyn nhấn mạnh.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm