Thể thao

Đại võ sư Lê Ngọc Có: Một đời tận tâm với nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi đã bước sang tuổi 81, các đồng môn mới nhất trí để Đại võ sư Lê Ngọc Có rút khỏi chức Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh.
Tầm sư học võ
Ông Lê Ngọc Có sinh năm 1940 ở Đà Nẵng. Sinh ra và lớn lên khi đất nước còn nằm dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc nên chàng trai họ Lê đã nung nấu ý chí rèn luyện võ nghệ thật giỏi để bảo vệ mình, người thân và Tổ quốc. Năm 19 tuổi, ông một mình khăn gói lặn lội vào đất Bình Định để tầm sư học võ. 5 năm đầu, ban ngày, ông đi làm thuê để kiếm sống, tối đến học võ rồi ngủ lại nhà của võ sư Tám Tự (thôn An Vinh, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà của mình ở số 84 Lê Lợi (phường Hội Thương, TP. Pleiku), Đại võ sư Lê Ngọc Có hồi nhớ: “Từ năm 1959 đến 1964, tôi tham gia thi đấu nhiều giải với nhiều trận khốc liệt đến mức thừa sống thiếu chết. Năm 1964, võ sư Hà Trọng Sơn dẫn tôi vào Nha Trang thi đấu. Kết quả, thi đấu 3 trận thì 1 thắng, 1 hòa và 1 thua. Trận thua duy nhất là trước một võ sĩ đến từ Sài Gòn. Từ đây, cuộc đời tôi bước sang một trang mới”.
Đại võ sư Lê Ngọc Có. Ảnh: Hà Phương
Đại võ sư Lê Ngọc Có. Ảnh: Hà Phương
Người đánh bại chàng trai xứ Quảng lúc đó là đệ tử ruột của võ đường lừng danh miền Nam trước năm 1975 do võ sư Lê Đại Hoan ở Sài Gòn chỉ dạy. “Hổ phụ sinh hổ tử”, con trai của cố võ sư Lê Đại Hoan là Lê Thanh Tùng sau này trở thành tượng đài “độc cô cầu bại”, “thần cước” trong làng võ thời bấy giờ. Bị thuyết phục bởi đòn đá phang ống (đá bằng ống quyển) “trúng là gục” cộng với cặp chỏ nhanh nhạy khi nhập nội mang thương hiệu của lò võ “Lê Đại Hoan” nên đến năm 1965, thầy Tám Tự đã gửi Lê Ngọc Có vào võ đường Lê Đại Hoan tiếp tục “tầm sư học võ”.
Chuyện đóng cửa võ đường
Sau 1 năm thọ giáo nhằm hoàn thiện thêm bộ cước đi kèm với đòn chỏ và gối cận chiến mang tính sát thương cao, năm 1966, võ sĩ Lê Ngọc Có ngược lên Pleiku để chuyển sang làm công tác huấn luyện, mở võ đường mang tên chính mình cho đến năm 1995.
Trong suốt 29 năm truyền nghề, võ đường Lê Ngọc Có đã đào tạo hàng loạt võ sĩ tài năng, từng đoạt nhiều thành tích xuất sắc ở các giải đấu khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Tiêu biểu trong số đó là võ sĩ Trần Thanh Hải từng hạ gục các đối thủ đến từ Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng ở hạng cân 54 kg tại Giải vô địch miền Trung-Tây Nguyên vào năm 1992. Cũng ở giải này, võ sĩ Lê Văn Dũng giành huy chương vàng hạng cân 56 kg. Hay “sóc núi” Nguyễn Tấn Đô liên tục 5 năm liền giành chức vô địch hạng cân từ 45 đến 48 kg môn võ cổ truyền tại các giải toàn quốc, sau đó khoác lên mình màu áo đội tuyển Pencak silat Việt Nam tham dự SEA Games 1995.
Võ sư Lê Ngọc Có dự khai mạc giải võ cổ truyền miền Trung-Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2019.
Võ sư Lê Ngọc Có dự khai mạc giải võ cổ truyền miền Trung-Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2019. Ảnh: Hà Phương
Ông Nguyễn Tấn Đô là một trong những võ sĩ xuất sắc nhất, đồng thời cũng là học trò cuối cùng trong sự nghiệp huấn luyện của Đại võ sư Lê Ngọc Có. “Tôi gọi Nguyễn Tấn Đô là học trò út bởi sau đó không còn nhận thêm ai làm đệ tử để truyền dạy những ngón đòn tuyệt chiêu nữa. Lý do là bởi không ít lần tôi tận mắt chứng kiến học trò của mình đánh gục võ sĩ đơn vị bạn ngay trên sàn đài bằng những đòn nguy hiểm, sau đó phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tôi không muốn gặp lại những cảnh tượng tương tự nên đành lòng phải đóng cửa võ đường”-Đại võ sư Lê Ngọc Có chia sẻ.
25 năm “đứng mũi chịu sào”
Sau khi “rửa tay gác kiếm” trong công tác huấn luyện năm 1995, Đại võ sư Lê Ngọc Có cùng các đồng môn thành lập Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai. Trong hơn 25 năm qua, ông luôn giữ chức Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh. Tuy ông nhiều lần xin nghỉ nhưng không tìm ai xứng đáng hơn để thay thế. Mãi đến Đại hội đại biểu Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh lần thứ IV tổ chức vào cuối tháng 12-2020, khi ông bước sang tuổi 81, mọi người mới đồng ý để thầy Có “nghỉ hưu”.
Nói về bậc tiền bối, võ sư Trần Xuân Chỉ-Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh nhiệm kỳ 2020-2021-nhận xét: “Tôi đã gắn bó, đồng hành với Đại võ sư Lê Ngọc Có hơn 50 năm. Anh em trong làng võ thường bảo nhau rằng “Đâu cần, thầy Có… có; đâu khó, có… thầy Có đây”. Là người luôn hết mình với nghiệp võ, những gì mà Đại võ sư Lê Ngọc Có làm được ở các nhiệm kỳ trước chính là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu”.
Hơn 25 năm hoạt động võ thuật, Đại võ sư Lê Ngọc Có cùng các đồng môn đã đào tạo hàng vạn võ sĩ và đạt nhiều thành tích xuất sắc tại các giải đấu khu vực và toàn quốc. Đến nay, Gia Lai có 27 câu lạc bộ với tổng cộng gần 2.000 môn sinh võ cổ truyền, 2 đại võ sư, 2 võ sư cao cấp, 5 võ sư, 12 chuẩn võ sư và hàng chục huấn luyện viên từ sơ cấp đến cao cấp.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm