Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa đẩy mạnh phát triển cây ăn quả đặc sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây ăn quả đặc sản. Một số diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập cao và ổn định so với các loại cây trồng khác.
Phần lớn đất đai của huyện Đak Đoa thuộc nhóm đỏ vàng, màu mỡ; khí hậu có nền nhiệt độ cao nên rất thích hợp để trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, mít, chuối và các loại cây có múi. Tận dụng lợi thế đó, thời gian qua, các nông hộ trên địa bàn đã tích cực chuyển đổi một số diện tích đất sang trồng cây ăn quả để nâng cao giá trị sản xuất. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT, toàn huyện có gần 480 ha cây ăn quả (hơn 268 ha trồng xen), trong đó, sầu riêng 102 ha, bơ 119 ha, mít 55 ha, chuối 120 ha, cam, quýt 34 ha và cây ăn quả khác 50 ha.
Chị Nguyễn Thị Dưỡng (thôn Tân Tiến, xã Trang) giới thiệu về cây bơ trồng xen vừa phù hợp, vừa cho thu nhập cao. Ảnh: L.N
Chị Nguyễn Thị Dưỡng (thôn Tân Tiến, xã Trang) cho biết: Do giá cà phê sụt giảm và để tránh rủi ro, năm 2015, gia đình chị đã đầu tư trồng xen vào vườn cà phê 40 cây sầu riêng hạt lép. Năm 2018 và 2019, gia đình chị tiếp tục trồng thêm 250 cây sầu riêng trong vườn cà phê. Ngoài ra, vườn cà phê của chị còn trồng xen 300 cây bơ Hass, bơ Booth và bơ không hạt. “Năm 2019, tôi thu được hơn 100 triệu đồng từ 40 cây sầu riêng trồng năm 2015 và một số cây bơ cho thu bói. Năm nay, sầu riêng ra hoa rất nhiều nên ước tính bình quân mỗi cây cho thu khoảng 1 tạ quả. Còn 300 cây bơ năm nay bắt đầu bước vào thu hoạch chính. Nếu giá sầu riêng vẫn giữ được khoảng 50-60 ngàn đồng/kg, giá bơ 20-30 ngàn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình có thể thu được 200-300 triệu đồng”-chị Dưỡng nhẩm tính.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND xã Trang, năm 2015, trên địa bàn xã chỉ có 17 ha cây ăn quả. Nhưng hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn xã đã tăng lên 63 ha. Thời gian qua, giá cà phê, hồ tiêu giảm mạnh, trong khi trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao. Vì vậy, người dân đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tự tìm hiểu khoa học kỹ thuật để từng bước mở rộng diện tích cây ăn quả trồng thuần hoặc xen canh. Cách làm này bước đầu giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích và giảm bớt rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.        
Tại xã Hnol, nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, diện tích đất ở ven suối, bờ ruộng để trồng chuối mốc và sầu riêng, bơ, mít, cam, quýt. Hiện toàn xã có khoảng 65 ha cây ăn quả được trồng chủ yếu tại các làng: Thung, Grek, Rơng... Ông Krứt (làng Grek) cho biết: Cây chuối rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, mức đầu tư không cao nhưng sau hơn nửa năm là cho thu hoạch và được thu quanh năm. Khi có chuối, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 50-60 ngàn đồng/buồng, tùy vào từng thời điểm. Ngoài ra, người dân còn bán được bắp chuối, lá chuối với giá 3-4 ngàn đồng/kg. “Cây chuối trồng 6-8 tháng là bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi tháng, gia đình tôi thu hoạch 2-3 lần và bán được khoảng 5 triệu đồng. Nếu thu hoạch chuối trúng vào thời điểm đầu tháng hoặc Tết thì giá bán cao hơn ngày thường. Sau khi trừ chi phí thì 1 ha cũng thu lãi được 45-50 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cây trồng khác”-ông Krứt nói.  
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Huyện xác định cây trồng chủ lực vẫn là cà phê và hồ tiêu. Song thời gian qua, giá cả các mặt hàng này tụt giảm, sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp nên cơ quan chuyên môn đã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả, hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả đặc sản. Trồng xen cây ăn quả đặc sản lâu năm vừa làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê, vừa hạn chế rủi ro về giá cả và biến động của thị trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Anh, hiện nay, phần lớn diện tích cây ăn quả trên địa bàn là trồng xen, một số vườn cây chưa được quan tâm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất còn thấp, giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Người dân cũng chưa có sự liên kết trong tiêu thụ mà chủ yếu bán cho thương lái nhỏ lẻ.  
Trước thực tế đó, huyện Đak Đoa đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 560 ha và hình thành các vùng sản xuất cây sầu riêng, bơ, mít, cam tập trung; xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp-hợp tác xã-nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp; xây dựng hợp tác xã sản xuất cây có múi tại xã Kon Gang. Đến năm 2025, toàn huyện có khoảng 800 ha và năm 2030 có khoảng 960 ha cây ăn quả.
“Huyện đang khuyến khích phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong việc đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi từ sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. Hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cây ăn quả đặc sản địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm