Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa định hình vùng chuyên canh rau an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với phát triển cây công nghiệp, huyện Đak Đoa cũng tích cực khai thác thế mạnh về đất đai, khí hậu để hình thành vùng chuyên canh rau màu canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn.

Xã Tân Bình hiện có 235 ha rau màu, chủ yếu là cải củ, bắp sú, su su, dưa leo, bầu, bí… Đây là vùng chuyên canh rau lớn nhất huyện Đak Đoa. Ông Lê Công Nguyên-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Tân Bình-cho hay: “Phần lớn diện tích rau của bà con được trồng trên các chân ruộng hoặc đất ven suối chuyển đổi từ diện tích trồng cây công nghiệp kém hiệu quả. Thời gian qua, xã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Xã cũng thành lập Nông hội rau an toàn để liên kết nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

 Tận dụng trụ hồ tiêu, anh Trần Công Thiện (thôn 3, xã Tân Bình) làm giàn trồng su su. Ảnh: Phương Vi
Tận dụng trụ hồ tiêu, anh Trần Công Thiện (thôn 3, xã Tân Bình) làm giàn trồng su su. Ảnh: Phương Vi


Nông hội rau an toàn xã Tân Bình được thành lập năm 2020 với 10 thành viên canh tác khoảng 17 ha rau màu. Ông Trần Văn Nhàn-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ nhiệm Nông hội rau an toàn-cho biết: “Nông hội tập hợp các thành viên có cùng mong muốn sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ. Chúng tôi vận động và hướng dẫn các thành viên thay đổi phương thức trồng trọt để cho ra sản phẩm sạch”. Theo chân Chủ nhiệm Nông hội rau an toàn, chúng tôi đến tham quan vườn rau của anh Trần Công Thiện tại thôn 3. Trên triền đất thoải rộng chừng 5 sào là những luống bắp cải tươi tốt, cải củ sắp vào vụ thu hoạch. Anh Thiện cũng tận dụng trụ hồ tiêu cũ để làm giàn trồng su su. Anh Thiện cho hay: “Trước đây, tôi trồng cà phê và hồ tiêu nhưng canh tác lâu năm nên cây bị già cỗi, đất cũng bạc màu. Năm 2018, tôi chuyển sang trồng rau màu theo hình thức luân canh, gối vụ. Khi tham gia Nông hội, tôi được hỗ trợ thêm về kỹ thuật chăm sóc, cách sử dụng phân bón để tạo ra sản phẩm sạch”. Theo anh Thiện, so với cây cà phê thì trồng rau tuy công việc có “liền chân liền tay” nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trung bình mỗi năm, vườn rau đem lại cho anh thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, diện tích rau màu trên địa bàn huyện Đak Đoa ngày càng được mở rộng. Hiện tại, toàn huyện có 686 ha rau tập trung tại các xã: Tân Bình, Ia Băng, Kdang, Hà Bầu và thị trấn Đak Đoa. Cùng với tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, hệ thống đường giao thông, đặc biệt là giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi những khu vực này cũng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện tạo thuận lợi cho bà con phát triển nông nghiệp nói chung và sản xuất rau màu nói riêng. Cùng với đó, huyện đặc biệt khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động để tiết kiệm nước, giảm nhân công và tăng năng suất cây trồng.

Vườn rau rộng 5 sào đem lại cho anh Trần Công Thiện thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Phương Vi
Vườn rau rộng 5 sào đem lại cho anh Trần Công Thiện (thôn 3, xã Tân Bình) thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Phương Vi


Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Trên cơ sở các vùng sản xuất rau sẵn có, huyện tiếp tục mở rộng diện tích trên chân ruộng kém hiệu quả, đất triền đồi, ven suối, hình thành vùng chuyên canh tập trung. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, từng bước tạo thương hiệu vùng sản xuất rau an toàn của địa phương”.
 

PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm