Điểm đến Gia Lai

Đak Đoa huy động nguồn lực hỗ trợ nông hội phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã chỉ đạo các ngành, địa phương trong huyện huy động nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông hội hoạt động và phát huy hiệu quả. Đến nay, huyện đã thành lập được 12 nông hội. Đây là “mái nhà chung” gắn kết những người cùng chung ngành nghề, sở thích.

Các nông hội ở Đak Đoa đã thu hút 176 thành viên tham gia, trong đó có 42 người dân tộc thiểu số. Qua các buổi gặp gỡ, sinh hoạt định kỳ, các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng tránh và xử lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; trao đổi thông tin, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm... Để các nông hội hoạt động hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành, địa phương trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về phát triển kinh tế tập thể; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tạo điều kiện để sản phẩm của nông hội tham gia chợ phiên nông sản an toàn tổ chức hàng tháng; tham gia các hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 Trang trại của gia đình anh Trần Công Hải-thành viên Nông hội chăn nuôi dê xã Hnol. Ảnh: A.H
Trang trại của gia đình anh Trần Công Hải-thành viên Nông hội chăn nuôi dê xã Hnol. Ảnh: Anh Huy



Ông Alững-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện-thông tin: “Từ năm 2020 đến nay, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức 15 đợt tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho thành viên của nông hội. Một số nông hội lớn mạnh, tăng thành viên, mở rộng quy mô, số lượng và ký kết với nhiều đầu mối ở các tỉnh, thành trong cả nước”.

Sau gần 2 năm thành lập, Nông hội chăn nuôi xã A Dơk đã tăng từ 7 lên 18 thành viên, đều là những hộ chăn nuôi heo, gà, vịt. Anh Byôm-Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi xã A Dơk-chia sẻ: “Đất sản xuất ngày một thu hẹp nên người dân trong làng học hỏi lẫn nhau phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Hộ làm trước chỉ dẫn cho hộ làm sau từ cách làm chuồng nuôi nhốt, thức ăn, phòng bệnh... Đàn heo của Nông hội có gần 1.000 con và đàn gia cầm cũng đến hàng ngàn con”.

Trong khi đó, anh Trần Công Hải-thành viên Nông hội chăn nuôi dê xã Hnol-cho rằng: “Lợi ích khi tham gia Nông hội là các thành viên được cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, liên kết để mua chung, bán chung”. Sở hữu đàn dê hơn 50 con, anh Hải nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên cũng như người dân trong xã có nhu cầu tìm hiểu nuôi dê. Mỗi năm, gia đình anh thu hơn 100 triệu đồng từ bán con giống và dê thương phẩm, sau khi trừ chi phí. “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con cùng nuôi dê, nhân rộng đàn. Ngoài giống dê Bách Thảo, tôi còn nuôi dê Boer. Ai có nhu cầu tôi đều có thể đáp ứng”-anh Hải cho hay.

Một trong những điều kiện quan trọng để duy trì và phát triển các nông hội đó là nguồn vốn đầu tư. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Các ngành, địa phương luôn tạo điều kiện để thành viên nông hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay khác nhau, nhất là nông hội tham gia dự án trồng trọt, chăn nuôi và liên kết phát triển sản xuất. Năm 2021, Nông hội cây có múi xã Kon Gang được UBND huyện phê duyệt tham gia “Dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây có múi theo hướng hữu cơ” với kinh phí 317 triệu đồng (vốn nhà nước 200 triệu đồng). Trong khi đó, Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang tham gia “Dự án chăn nuôi thỏ sinh sản” với kinh phí 340 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh ủy thác. Nông hội trồng dâu, nuôi tằm xã Đak Krong tham gia “Dự án trồng dâu, nuôi tằm” với kinh phí 450 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác. Nông hội chăn nuôi dê xã Glar tham gia “Dự án chăn nuôi dê” với kinh phí 270 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện và Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện...

Vay 50 triệu đồng trong thời hạn 2 năm, anh Byôm-Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi xã A Dơk-cho biết: “Đến đầu tháng 9 tới, tôi dự định bán hết 40 con heo thịt và 10 con heo giống. Sau đó, tôi đầu tư sửa lại 12 ô chuồng để tập trung nuôi heo nái”.

Theo bà Lưu Thị Kim Liên-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đak Đoa: Nhằm phát huy hiệu quả mô hình nông hội, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, Đảng ủy các xã, thị trấn tiếp tục triển khai mô hình phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo các ngành, chức năng cấp huyện nắm bắt tình hình các nông hội nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quan tâm hỗ trợ thông tin thị trường, vốn vay, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông hội.

 

 ANH HUY
 

 

Có thể bạn quan tâm