Đak Đoa: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 5 năm qua, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai là địa phương điển hình trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Qua hơn 5 năm triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2012-2017), đặc biệt là ưu tiên dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách…, toàn huyện Đak Đoa đã có gần 6.000 lao động được đào tạo.

 

Phụ nữ xã Glar, huyện Đak Đoa kiếm thêm thu nhập nhờ dệt thổ cẩm. Ảnh: T.T
Phụ nữ xã Glar, huyện Đak Đoa kiếm thêm thu nhập nhờ dệt thổ cẩm. Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Đức Hòa-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa, cho biết: Lao động được lựa chọn các hình thức học nghề, ngành nghề cần học và phương thức tự tạo việc làm phù hợp với điều kiện của bản thân nên hiệu quả đào tạo rất cao. Ngoài các nghề nông nghiệp, huyện chú trọng đào tạo các nghề phi nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân như xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, máy dân dụng phục vụ dệt thổ cẩm…,  được bà con ứng dụng triệt để trong cuộc sống, kinh tế địa phương nhờ đó cũng có bước phát triển, nhất là vùng dân tộc thiểu số.

Theo đó, qua 5 năm tập trung đào tạo, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Đak Đoa được nâng lên, người lao động sau khi được đào tạo đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Đã có hàng trăm lao động có tay nghề được nhận vào làm công nhân cạo mủ cao su tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang và các doanh nghiệp địa phương.

Gặp chúng tôi khi đang đang sửa chữa lại căn nhà cấp 4 của mình, anh Ksor Dăm An (làng Bối, xã Glar) cho hay, anh chỉ mất khoảng 15 triệu đồng tiền vật liệu để sửa căn nhà có diện tích 300 m2, nhưng nếu thuê công làm thì phải mất khoảng 60-70 triệu đồng. Trước đó, năm 2012 anh đã được theo học một lớp về nghề xây dựng do huyện tổ chức. Học xong, anh thành lập một nhóm 5-7 người đi nhận xây nhà cho bà con trong làng. Dần dần có kinh nghiệm, tay nghề được nâng cao, bà con tin tưởng giao cho nhóm thợ của anh xây những căn nhà lớn hơn, cầu kỳ hơn. Ngoài thời gian làm rẫy, trung bình mỗi người trong nhóm có thu nhập 80-100 triệu đồng/năm từ nghề xây.

Huyện Đak Đoa còn là địa phương làm tốt việc đào tạo, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ người Bahnar. Kết hợp với công tác đào tạo nghề nông thôn của huyện, nghề dệt thổ cẩm tại xã Glar đang khá phát triển, vừa đảm bảo việc làm cho hàng trăm phụ nữ trong xã, vừa góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bản địa. Chị Sak (làng Dôr 1, xã Glar) kể: tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị cùng chị em trong làng dệt những sản phẩm như ví, túi xách, chăn, khăn, váy, áo… để kiếm thêm thu nhập. Trung bình, mỗi người có thêm 3-5 triệu đồng/tháng nhờ nghề dệt. “Nghề dệt thổ cẩm là bản sắc văn hóa của dân tộc Bahnar, trước đây tôi rất thích học nhưng chưa có cơ hội. Sau khi được nghệ nhân Mlốp-Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar, đào tạo vào năm 2012, tôi và chị em phụ nữ trong làng phấn khởi lắm. Nhờ nghề dệt, tôi kiếm được nhiều tiền hơn khi đi làm thuê, lại đỡ nắng mưa vất vả”-chị Sak cho hay.

 

Năm 2018, tỉnh ta dự kiến sẽ đào tạo khoảng 2.700 học viên nghề nông nghiệp với kinh phí 6,5 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng đào tạo các nghề phi nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hiện tại, ngoài 2 nghề chính là xây dựng và dệt, huyện Đak Đoa còn tổ chức đào tạo thêm nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ. Kết quả, 100% lao động sau học nghề biết áp dụng kiến thức đã học để sửa chữa máy nông cụ phục vụ sản xuất, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài thời gian phục vụ sản xuất gia đình, người lao động có tay nghề có thể tự liên hệ việc làm phù hợp với nghề đã được đào tạo, từ đó có thu nhập cao hơn lao động phổ thông 20-30 ngàn đồng/ngày công lao động.

Thuận Thiên

Có thể bạn quan tâm