Kinh tế

Đak Đoa: Nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa đã thực hiện nhiều giải pháp để vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Đặc biệt, huyện đã ưu tiên hướng dẫn nhân dân chuyển dịch theo hướng nhân rộng diện tích cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, bời lời…

Đak Đoa đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây hồ tiêu đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quang Tấn
Đak Đoa đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây hồ tiêu đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quang Tấn

Trao đổi với P.V, ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết, trước đây sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu là các loại cây trồng ngắn ngày như lúa rẫy, mì, bắp lai… chiếm hơn 50% tổng diện tích gieo trồng toàn huyện. Tuy nhiên, do thời gian canh tác lâu nên đất đai ngày càng bạc màu cộng với thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp nên năng suất, sản lượng khá thấp và giảm dần qua các năm, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp huyện đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều kiện tiên quyết, trong đó việc đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng thế mạnh của huyện như cà phê, hồ tiêu, bời lời… được xem là giải pháp cơ bản thúc đẩy kinh tế huyện Đak Đoa phát triển ngày một đa dạng và bền vững. Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân chuyển dịch theo hướng giảm bớt những diện tích trồng các loại cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao.

 

Ngành nông nghiệp huyện đã có nhiều giải pháp giúp tái canh diện tích cà phê già cỗi. Ảnh: Quang Tấn
Ngành nông nghiệp huyện đã có nhiều giải pháp giúp tái canh diện tích cà phê già cỗi. Ảnh: Quang Tấn

Cụ thể, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm, huyện đã triển khai nhiều mô hình, chính sách hỗ trợ người dân, nhất là người dân tại các thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn hàng chục ngàn cây giống bời lời, cà phê cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng ngắn ngày như bắp, mì, khoai lang… sang trồng những cây trồng dài ngày cho hiệu quả kinh tế cao như cà phê, bời lời… Điển hình như, trong năm 2014, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai hỗ trợ giống cà phê cho 4 hộ dân để trồng hơn 1 ha cà phê và hơn 20 ngàn giống cây bời lời cho 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 làng Đê Pơra và Đê Sơ Mei (xã Đak Sơ Mei).

Cùng với đó, việc nâng cao năng suất cây cà phê cũng được cơ quan chuyên môn huyện đặc biệt quan tâm vận động, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tái canh những diện tích cà phê già cỗi, vận động người dân đưa giống điều cao sản cho năng suất cao thay dần diện tích điều địa phương cho năng suất kém. Được biết, trong 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ người dân tiến hành tái canh được khoảng 1.600 ha cà phê bị già cỗi, cho năng suất kém.    

Bên cạnh đó, với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khá thích hợp cùng với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của ngành Nông nghiệp huyện đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như xã Hải Yang (759 ha), Nam Yang (308 ha), Hà Bầu (281 ha)… và dần thay thế những diện tích cây bắp, mì, khoai lang cho hiệu quả kinh tế thấp.

Nhờ đó, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện tăng khá mạnh, từ khoảng 11 ngàn ha năm 2010 đến nay diện tích này đã là 20 ngàn ha; từ một huyện mới chỉ phát triển diện tích hồ tiêu trong vài năm trở lại đây nhưng đến nay Đak Đoa trở thành một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn của tỉnh với tổng diện tích hồ tiêu đạt trên 3.000 ha… Do đó, năng suất, sản lượng cà phê, hồ tiêu trên địa bàn huyện cũng tăng mạnh qua các năm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế ngành nông nghiệp của địa phương, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững.  Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, trong 5 năm đã có hơn 5 ngàn hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm gần 30% thì đến nay tỷ lệ này chỉ còn 12,49% (trung bình mỗi năm giảm từ 3% đến 4%).

 

Diện tích bắp, mì… dần thay thế bằng những cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu. Ảnh: Quang Tấn
Diện tích bắp, mì… dần thay thế bằng những cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu. Ảnh: Quang Tấn

Sở hữu cơ ngơi khoảng 4.000 trụ tiêu, hơn 1,3 ha cà phê, hàng năm hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Sinh (ở thôn 3) thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng. Ông Sinh chia sẻ: “Cuộc sống gia đình tôi những ngày đầu đặt chân đến vùng đất này rất gian khổ, nhận thấy các loại cây trồng như lúa, mì không đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi đã tìm hiểu kỹ thổ nhưỡng nơi đây cũng như tìm hiểu qua nhiều nơi, năm 1998 tôi đã mạnh dạn đưa cây cà phê vào trồng thử nghiệm, rồi đưa cây hồ tiêu vào sản xuất. Bây giờ cuộc sống của gia đình tôi đã trở nên khấm khá, nhà cửa, xe máy, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Tập trung phát triển diện tích cây công nghiệp dài ngày, là một hướng đi đúng, mang tính quyết định, giúp đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Cường thì việc chuyện đổi trồng các loại cây trồng dài ngày vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, do vốn đầu tư ban đầu khá lớn mà thời gian xây dựng cơ bản dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong việc phát triển ồ ạt diện tích cây hồ tiêu những năm trở lại đây.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm