Kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Chư Pah: Ưu tiên cây trồng dài ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng được xác định là giải pháp cơ bản thúc đẩy nông nghiệp huyện Chư Pah phát triển đa dạng và bền vững. Việc đầu tiên là cơ quan chuyên môn của huyện đã căn cứ thổ nhưỡng của hơn 37.430 ha đất sản xuất nông nghiệp để xác định cơ cấu cây trồng chủ lực cho từng khu vực cụ thể.

Theo đó, các xã Chư Jôr, Chư Đăng Ya tập trung phát triển lúa nước, bắp, dong riềng, rau củ quả các loại. Cơ cấu cây trồng chủ lực của 12 xã và thị trấn còn lại tập trung phát triển cà phê, cao su, bời lời, hồ tiêu…

Từ cơ sở này, huyện xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển dịch cây trồng theo hướng ưu tiên nhân rộng diện tích cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cao su, bời lời và cà phê.

 

Đến thời điểm này, tổng diện tích cao su tiểu điền toàn huyện lên đến 1.500 ha, tăng 500 ha so với chỉ tiêu huyện đề ra. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah-ông Nê Y Kiên cho rằng đó là nhờ hiệu quả của dự án đa dạng hóa nông nghiệp triển khai trên địa bàn huyện giai đoạn 2004-2006 với tổng diện tích khoảng 200 ha. Khi cao su bước vào thời kỳ khai thác mang lại lợi nhuận cao cho người trồng; nông dân hầu hết các xã tập trung chuyển quỹ đất trồng mì, lúa rẫy, cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cao su tiểu điền. Thời gian đầu, nông dân ít chú ý đến giống, kỹ thuật nên đạt hiệu quả thấp, tốc độ trồng mới chững lại.

Cơ quan chuyên môn của huyện đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nông dân cách chọn giống, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su… Đến năm 2008, phong trào phát triển cao su tiểu điền được khôi phục trở lại và phát triển mạnh mẽ đến các xã vùng sâu, vùng xa. Điển hình như Hà Tây-xã đặc biệt khó khăn giờ trở thành “thủ phủ” cao su tiểu điền với tổng diện tích gần 200 ha. Đồng hành quá trình này còn có sự hỗ trợ của Nông trường Cao su Hà Tây, nhất là về giống. Theo đó, Nông trường ươm giống cao su bán cho dân với giá 15.000 đồng/cây giống; thấp hơn giá thị trường từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng; giúp nông dân vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa chủ động nguồn giống tại chỗ trồng đúng thời vụ.

Cùng với phát triển cao su tiểu điền, để nâng cao năng suất cà phê, mở rộng diện tích bời lời, cơ quan chuyên môn của huyện vận động các hộ dân áp dụng giải pháp tái canh diện tích cà phê già cỗi tại các xã: Ia Ka, Ia Nhin, Nghĩa Hưng, Hòa Phú, tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn huyện phát triển vườn ươm cây giống bời lời đảm bảo chất lượng cung cấp cho nông dân trồng mới. Bình quân mỗi năm bố trí 100-200 triệu đồng, riêng năm 2012 là 300 triệu đồng xây dựng các mô hình thí điểm cây trồng, trong đó có mô hình trồng bời lời tại các làng đặc biệt khó khăn được nhận đầu tư từ vốn ngân sách huyện để nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm nhân rộng diện tích; hình thành vùng chuyên canh bời lời tại các xã: Ia Phí, Ia Kreng, Hà Tây, Đak Tơ Ve.

Ông Nê Y Kiên cho biết tiếp nhận quy trình trồng bời lời từ các mô hình điểm, người dân làng Mo, xã Đak Tơ Ve chuyển 60 ha đất trồng mì sang trồng bời lời. Có hộ bán 6 sào bời lời thu được 80-90 triệu đồng. Vụ sản xuất năm nay, huyện hỗ trợ 10.000 cây bời lời cho 5 hộ dân 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới là Ia Khươl và Ia Mơ Nông đưa vào trồng, làm cơ sở nhân rộng diện tích, tăng thu nhập đảm bảo tiêu chí mức tăng thu nhập bình quân đầu người theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, tổng diện tích cây bời lời toàn huyện đạt trên 1.050 ha, tăng gần 50% so với năm 2006.


Tập trung phát triển cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp của huyện Chư Pah. Tuy nhiên theo lời ông Kiên để việc chuyển đổi bền vững, hạn chế tối thiểu tình trạng chuyển dịch rầm rộ nhưng thiếu hiệu quả vì hạn chế vốn, quỹ đất không tương xứng, cơ quan chuyên môn huyện phối hợp cùng chính quyền địa phương xác định quỹ đất, vốn tự có của dân để định hướng cho dân chọn giống cây trồng dài ngày đưa vào canh tác phù hợp.

Quang Văn
 

Có thể bạn quan tâm