Kinh tế

Đak Đoa nâng tầm sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tiềm năng dồi dào về phát triển du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) định hướng phát triển sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách những sản vật của địa phương. 
“Gắn sao” cho sản phẩm đặc sản
Khoai lang Lệ Cần nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh nhờ hương vị thơm ngon, bùi bở. Mùa thu hoạch khoai lang Lệ Cần là tháng 8-9 hàng năm. Tuy nhiên, khoai lang Lệ Cần được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng củ tươi. Điều này sẽ là kém tiện dụng để du khách mang theo trên hành trình du ngoạn, khám phá. Nhận thức được điều đó, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Tân Bình đã phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu từ khoai lang Lệ Cần. Ông Nguyễn Trình-Giám đốc HTX-chia sẻ: Hiện HTX đã sản xuất 6 sản phẩm được chế biến dựa trên nguyên liệu là khoai lang Lệ Cần, gồm: miến, bột khoai lang chín, tinh bột khoai lang, sữa khoai lang, bánh tráng khoai lang, rượu khoai lang. Mức tiêu thụ của các sản phẩm này khá tốt.
Chợ phiên nông sản an toàn được huyện Đak Đoa tổ chức vào ngày 15 hàng tháng là cơ hội để quảng bá sản phẩm OCOP đến với du khách. Ảnh: Q.T
Chợ phiên nông sản an toàn được huyện Đak Đoa tổ chức vào ngày 15 hàng tháng là cơ hội để quảng bá sản phẩm OCOP đến với du khách. Ảnh: Q.T
Trong khi đó, năm 2017, HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang cho ra mắt các bộ sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí, cà phê Đak Yang, măng le Lệ Chí, khoai mật Lệ Chí. Đây cũng là một trong những sản phẩm đạt 4 sao OCOP và thường xuyên góp mặt tại phiên chợ nông sản an toàn của huyện được tổ chức định kỳ 1 tháng/lần. Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho hay: Nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP và tham gia các phiên chợ kết nối, giới thiệu nông sản, đặc sản địa phương mà sản phẩm của HTX có cơ hội đến gần hơn với khách hàng, đối tác.
Huyện Đak Đoa có số lượng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nhiều nhất tỉnh với 25 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-đánh giá: “Sản phẩm OCOP đã thực sự khoác “áo mới” cho nông sản, đặc sản địa phương. Từ việc hỗ trợ cho sản phẩm nông sản hoàn thiện các tiêu chuẩn, chất lượng đến việc chỉn chu mẫu mã, bao bì đã giúp nâng tầm giá trị những sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đây là đòn bẩy giúp sản phẩm của nông dân làm ra vươn xa và gia tăng mạnh mẽ giá trị.
“Cú hích” từ du lịch
Bà Kiều Thu Hương-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đak Đoa-cho hay: Du lịch Đak Đoa có sự khởi sắc mạnh mẽ kể từ khi đồi cỏ hồng (xã Glar) tạo ấn tượng và thu hút đông đảo du khách đến thưởng lãm, trải nghiệm. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, huyện đón khoảng trên 19.000 lượt du khách, tăng rất nhiều lần so với trước đây. Bên cạnh “Lễ hội cỏ hồng” thì phiên chợ kết nối nông sản huyện Đak Đoa cũng thu hút du khách tham quan, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương.
Bà Mlốp-Giám đốc HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar cũng cho rằng: Địa phương hỗ trợ thành lập HTX để góp phần khôi phục và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thực tế sản phẩm dệt của HTX phần lớn tiêu thụ ngoài tỉnh thông qua các đơn vị, đối tác đặt hàng và bán lẻ cho du khách. Sau khi đạt sản phẩm OCOP và tham gia trưng bày, triển lãm tại các phiên chợ, hội chợ, sản phẩm của HTX đã được nhiều người biết đến, đơn hàng về nhiều hơn. Nhờ đó, các thành viên có thu nhập ổn định từ nghề dệt truyền thống.
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội cỏ hồng do UBND huyện Đak Đoa tổ chức. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội cỏ hồng do UBND huyện Đak Đoa tổ chức. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Theo ông Nguyễn Kim Anh, Đak Đoa có hầu hết các loại nông sản đặc trưng của Gia Lai. Ngoài ra, huyện còn có những sản phẩm mang đậm dấu ấn địa phương như: khoai lang Lệ Cần, tiêu Lệ Chí… Trong xu thế du lịch khám phá, trải nghiệm ngày một thịnh hành thì đây chính là điểm nhấn để thu hút và níu chân du khách. Đồng thời, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã trở thành “điểm tựa” uy tín cho cả nông dân và người tiêu dùng. “Để hỗ trợ phân phối, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xây dựng trang web OCOPdakdoa.com.vn cũng như khuyến khích HTX, nông dân đa dạng hóa các kênh bán hàng trực tuyến. Thời gian đến, chúng tôi định hướng một số hộ dân đầu tư loại hình du lịch trải nghiệm nông trại, trong đó nhất định phải xây dựng trên nền tảng “sản xuất xanh”, sản xuất theo hướng hữu cơ”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin.
Cách trung tâm TP. Pleiku 15 km, có tuyến quốc lộ 19 chạy qua địa bàn, Đak Đoa có lợi thế về giao thương, kết nối. Bên cạnh đó, nơi đây có khí hậu ôn hòa, cư dân sinh sống đa dạng và giàu bản sắc, điều kiện đất đai rộng, một số vùng có thể đầu tư xây dựng thành các khu du lịch như: Công viên đồi thông, khu rừng thông thuộc các xã Glar, Tân Bình, thị trấn Đak Đoa; du lịch sinh thái hồ Ia Băng, du lịch sinh thái-cộng đồng ở xã Hà Đông; ruộng bậc thang ở xã Trang-Hnol; Di tích lịch sử Khu lưu niệm Anh hùng Wừu; làng nghề dệt thổ cẩm xã Glar…
Bà Kiều Thu Hương nhìn nhận: Thời gian qua, lĩnh vực du lịch đã thu hút một số nhà đầu tư quan tâm, điển hình là Dự án xây dựng sân golf Đak Đoa với tổng diện tích hơn 174 ha được thực hiện tại các xã: Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2021. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 5 dự án du lịch khác đang được đầu tư, xây dựng. Đặc biệt, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu là sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch và tăng cường quảng bá du lịch.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm