TN - Đất & Người

Đak Đoa nỗ lực giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo số liệu điều tra đầu năm 2018, huyện Đak Đoa, Gia Lai còn 3.027 hộ nghèo (chiếm 11,68%). Địa phương này đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Đó là mệnh lệnh mà cả hệ thống chính trị huyện Đak Đoa hướng tới với quyết tâm tất cả hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện Đak Đoa đã đầu tư cho công tác giảm nghèo trên 459 tỷ đồng. Nhờ vậy, nếu đầu năm 2016, toàn huyện có 4.455 hộ nghèo (chiếm 17,62%) thì đến đầu năm 2018 đã giảm còn 3.027 hộ (chiếm 11,68%).
“Tuy nhiên, số hộ nghèo của huyện phần lớn là ở các xã đặc biệt khó khăn, nhận thức còn hạn chế, mất sức lao động, thiếu vốn sản xuất... Vì thế, huyện xác định trước mắt là đẩy mạnh tuyên truyền để họ thay đổi nhận thức, sau đó, hỗ trợ họ vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Huyện cũng chỉ đạo tổ chức biểu dương khen thưởng hộ thoát nghèo để làm gương cho hộ nghèo khác học tập, vươn lên”-ông Lê Viết Phẩm chia sẻ.
 Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa Lê Viết Phẩm làm việc với Công ty cổ phần Hiệp hội doanh nghiệp Đak Đoa về dự án trồng cây sachi ở Hà Đông. Ảnh: Đ.Y
Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa Lê Viết Phẩm làm việc với Công ty cổ phần Hiệp hội doanh nghiệp Đak Đoa về dự án trồng cây sachi ở Hà Đông. Ảnh: Đ.Y
Mới đây, cán bộ chủ chốt của huyện đã làm việc với Công ty cổ phần Hiệp hội Doanh nghiệp Đak Đoa để nghe giới thiệu về dự án hợp tác với người dân xã Hà Đông-xã nghèo nhất huyện-trồng cây sachi, cây ăn quả, trồng cỏ và nuôi bò sữa.  Ông Lê Viết Phẩm cho biết: “Trăn trở lớn nhất của huyện về công tác giảm nghèo là ở xã Hà Đông. Lâu nay, huyện đã nỗ lực hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Đông nhưng đều chưa thực hiện được. Bây giờ, Công ty cổ phần Hiệp hội Doanh nghiệp Đak Đoa có dự án đầu tư vào xã, huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để dự án nhanh chóng được triển khai. Trước mắt, huyện thành lập tổ công tác, giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì giúp Công ty khảo sát kỹ lưỡng trước khi lập dự án và triển khai hiệu quả”.
Về phía xã Hà Đông, ông Chiên-Chủ tịch UBND xã-cho rằng: “Xã rất phấn khởi với dự án của Công ty cổ phần Hiệp hội Doanh nghiệp Đak Đoa liên kết với nông dân trồng 500 ha cây sachi xen với cây sả. Hy vọng dự án sẽ thành công và giúp người dân Hà Đông nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững”.
Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
Mục tiêu giảm nghèo của huyện đến năm 2020 là mỗi năm giảm từ 2% đến 3% (ảnh nguồn internet)
Mục tiêu giảm nghèo của huyện đến năm 2020 là mỗi năm giảm từ 2% đến 3% (ảnh nguồn internet)
Dù đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp song tỷ lệ giảm nghèo của huyện Đak Đoa vẫn còn thấp so với mức bình quân của tỉnh. Tỷ lệ giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn cũng chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện có nơi, có lúc thiếu sự quan tâm sâu sát. Công tác tuyên truyền, vận động giúp đỡ hộ nghèo còn thiếu thường xuyên. Công tác chỉ đạo và tổ chức điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm của cấp xã còn nhiều sai sót. Năng lực cán bộ giảm nghèo ở một số xã còn hạn chế, chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, thực hiện chính sách giảm nghèo.
Mục tiêu giảm nghèo của huyện đến năm 2020 là mỗi năm giảm từ 2% đến 3%; riêng các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7-8%/năm và đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 7%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ cơ bản theo quy định.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Đak Đoa tập trung hướng tới nhóm hộ nghèo cần vốn vay để phát triển sản xuất và nhóm hộ nghèo phải hỗ trợ từ các mô hình chính sách giảm nghèo. Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa Lê Viết Phẩm cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận vốn vay sản xuất; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để tăng thu nhập; hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản để bảo đảm tối thiểu về y tế và dinh dưỡng, giáo dục-đào tạo, nhà ở, trợ giúp pháp lý, văn hóa, thông tin. Bên cạnh đó, tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện đạt chuẩn nông thôn mới ở các xã nghèo, thôn, làng đặc biệt khó khăn. Huyện cũng sẽ xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, mô hình giảm nghèo bền vững.
Cũng theo ông Phẩm, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy thực hiện công tác giảm nghèo ở cấp xã; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và có chính sách đối với cán bộ trực tiếp theo dõi công tác giảm nghèo; vận động kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ hộ nghèo thông qua việc liên kết phát triển.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm