Điểm đến Gia Lai

Đak Đoa quan tâm phát triển hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) quan tâm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn.

Đường ra khu sản xuất đồi 63 thuộc thôn 3 (xã Tân Bình, huyệ Đak Đoa) được bê tông hóa. Ảnh: Lê Hòa
Đường ra khu sản xuất đồi 63 thuộc thôn 3 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) được bê tông hóa. Ảnh: Lê Hòa

Năm 2014, xã Tân Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, đến năm 2019, qua rà soát, xã có đến 8 tiêu chí chưa đạt theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí số 2 về hạ tầng giao thông.

Ông Trương Minh Thắng-Chủ tịch UBND xã Tân Bình-cho hay: “Phần chưa đạt rơi vào hệ thống đường giao thông nội đồng chưa được cứng hóa. Trước thực tế này, xã dành nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông nội đồng”.

Xã Tân Bình có khoảng 18 km đường nội đồng. Vào thời điểm rà soát các tiêu chí nông thôn mới thì hơn 3 km được cứng hóa và nhựa hóa. Từ nguồn vốn của Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT), xã vận động Nhân dân đóng góp để bê tông hóa đoạn đường nội đồng thuộc thôn 3 và xây dựng công trình đập tràn trên tuyến.

“Kể từ khi tuyến đường nội đồng được mở rộng và bê tông hóa, người dân đi lại được thuận lợi, an toàn. Đặc biệt, nhờ có đường bê tông đã hạn chế việc xe công nông lưu thông trên quốc lộ 19”-ông Thắng cho biết thêm.

Ngoài ra, xã Tân Bình còn bê tông hóa khoảng 3,5 km đường nội đồng theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” với kinh phí khoảng 70 triệu đồng/km. Nhờ vậy, đến nay, Tân Bình cơ bản đáp ứng tiêu chí hạ tầng giao thông của xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Hoàng Văn Mãn (thôn 3) phấn khởi nói: “Đường nội đồng được bê tông hóa, lại có đập tràn vượt suối nên khoảng cách từ ruộng về nhà rút ngắn chỉ còn 1/3 so với trước. Bà con rất phấn khởi”.

Những tuyến đường liên thôn, liên xã ở Hải Yang sầm uất chẳng khác phố xá là mấy. Ảnh: Lê Hòa
Hệ thống đường giao thông ở xã Nam Yang được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi. Ảnh: Lê Hòa

Xã Nam Yang cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014. Mặc dù Nam Yang vẫn đảm bảo tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao nhưng xã vẫn tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường nội thôn, nội đồng.

“Toàn xã có gần 41 km đường giao thông, trong đó có 8,1 km đường liên xã, hơn 2,7 km đường trục thôn và hơn 25,2 km đường ngõ xóm, còn lại là đường nội đồng. Đến nay, hệ thống đường liên xã, trục thôn đã nhựa hóa 95-100%, đường ngõ xóm nhựa hóa 67,72%. Để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, xã dành nguồn vốn nhất định, đồng thời huy động người dân đóng góp để hoàn thiện hệ thống mương rãnh thoát nước nhằm tránh tình trạng nước tù đọng vào mùa mưa, ảnh hưởng chất lượng công trình”-ông Lê Kim Nam-Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang-cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Trần Hưng Nghiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Đoa-cho biết: Trên địa bàn huyện Đak Đoa có khoảng 740 km đường giao thông, trong đó có khoảng 360 km đường do huyện quản lý và hàng ngàn km đường liên thôn, nội thôn, đường ra khu sản xuất, đường lô trục cao su… Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các công trình hạ tầng giao thông được cải tạo, nâng cấp. “Các địa phương đã tận dụng lợi thế hạ tầng giao thông để khai thác, phát huy trong phát triển kinh tế-xã hội”-ông Nghiệp đánh giá.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm