TN - Đất & Người

Đắk Lắk: Hồ tiêu chín đỏ, hạt rụng vung vãi, vừa thuê được người hái đã bị nhà khác "nhòm ngó"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những vườn tiêu đã chín đỏ cây nhưng nhân công thu hái lại rất khan hiếm, giá thuê cao đã khiến nông dân Đắk Lắk vô cùng lo lắng. Nhiều gia đình thuê được người hái nhưng vẫn chưa yên tâm vì sợ họ bỏ đi nơi khác.
Giá thuê nhân công hái tiêu tăng cao, không kiếm ra người hái tiêu
Những ngày qua, tại Đắk Lắk hồ tiêu vào vụ thu hoạch rộ. Thế nhưng so với những năm trước, năm nay nhân công hái tiêu hết sức khan hiếm. Tình trạng này đang khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Bởi, nếu tiêu chín mà không thu hái kịp sẽ tự rụng chuỗi khắp gốc, ảnh hưởng đến sản lượng vụ này cũng như việc ra hoa của vụ sau.
 
Bà Phạm Thị Hằng nhặt tiêu rụng dưới đất vì thiếu người thu hái.
Bà Phạm Thị Hằng nhặt tiêu rụng dưới đất vì thiếu người thu hái.
Nhà chị Lý Thị Ngọc Nhi (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) có 1.000 trụ tiêu đang thu hoạch. Khi tiêu bắt đầu chín, chị đã tất tả tìm thuê người thu hái. 
Ngoài việc trả tiền công theo giá thị trường, chị Nhi còn hỗ trợ thêm tiền xe đi lại và bữa ăn xế cho nhân công. Thế nhưng, chị Nhi vẫn không thể thuê được nhiều người hái tiêu.
"Năm nay, giá thuê người hái tiêu tăng lên 200.000 đồng/ngày/người. Gia đình hỗ trợ thêm cho cho họ 5.000-10.000 đồng/ngày tiền xe đi lại và thêm một bữa ăn xế, nhưng vẫn không tìm ra người hái. 
Những năm trước, tình trạng này cũng xảy ra nhưng chưa bao giờ nhân công lại khan hiếm như năm nay. Nếu không hái không kịp, tiêu rụng xuống đất thì sẽ thất thoát rất nhiều"- chị Nhi cho biết.
Cách đó không xa, hơn 600 trụ của bà Phạm Thị Thu Hằng cũng đang chín đỏ mà gia đình vẫn chưa tìm được người hái. Hơn 10 ngày liền, chị Hằng lặn lội khắp nơi nhưng vẫn không tìm thuê được nhân công.
 
Người dân xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar đang thu hoạch tiêu.
Người dân xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar đang thu hoạch tiêu.
Để thu hoạch hết vườn tiêu bà Hằng cần khoảng 70 công, thế nên nếu gia đình có ra sức hái thì cũng không thể kịp. 
"Tiêu chín rụng đầy gốc, hạt vung vãi ra khắp nơi nhìn xót ruột lắm mà không biết phải làm sao. Mọi năm, gia đình luôn thuê được từ 7-9 nhân công. Việc thu hái đến thời điểm này đã xong nhưng năm nay, tới bây giờ chỉ mới thu được một phần"- bà Hằng than thở.
Không chỉ những người như chị Nhi, bà Hằng mà ngay cả những người may mắn thuê được nhân công cũng có nỗi lo khác. Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) cho hay, nhóm nhân công của anh vừa thuê được luôn được các gia đình khác "nhòm ngó".
Do đó, để giữ chân họ, gia đình anh phải bố trí chỗ ăn ở, lo ăn bữa xế, bồi bổ thêm nước giải khát, thi thoảng còn thưởng cho những người hái năng suất. "Do những năm gần đây nhân công khan hiếm nên ngay từ trước Tết Nguyên đán, tôi đã chủ động tìm thuê người. Nhưng nhân công tại chỗ không có, gia đình phải lọ mọ tìm ra ngoài tỉnh để thuê"- anh Hùng chia sẻ.
"Dù vườn của tôi mới hái được 3 ngày, dự kiến phải đến hơn 15 ngày mới xong, nhưng các chủ vườn lân cận đã tìm tới hỏi thuê. Có nhà sẵn sàng đặt cọc nhóm nhân công đến hái thuê cho họ sau khi hái xong vườn nhà tôi"-anh Hùng chia sẻ.
Người hái tiêu phải "có nghề"
Theo người trồng tiêu ở Đắk Lắk, thu hoạch tiêu không dễ dàng như các nông sản khác. Để hái được tiêu, người hái phải leo cao. Nếu người hái không có kỹ thuật thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và cả cho cây tiêu. Do đó, người hái tiêu không chỉ có sức khỏe mà phải có tính cẩn thận.
 
Người hái tiêu phải leo thang rất cao nên nếu không cẩn thận rất dễ té ngã.
Người hái tiêu phải leo thang rất cao nên nếu không cẩn thận rất dễ té ngã.
Chị H’Ri Kbuôr (nhân công hái tiêu ở xã Ea M’nang, huyện Cư Mgar) cho hay, để hái được tiêu có khi phải leo lên thang cao hơn 4m. Khi leo lên thang, hai tay phải hái tiêu nên phải lựa thế để đứng cho vững. Nếu không cẩn thận bị té ngã thì rất nguy hiểm.
"Tuy vất vả, nhưng bù lại việc hái tiêu có thu nhập khá hơn so với hái cà phê. Mỗi mùa thu hoạch tiêu, tôi cùng chồng gần như không rảnh ngày nào. Sau mỗi vụ, tiền công của cả hai cũng được vài chục triệu để trang trải chi phí sinh hoạt"- chị H’Ri cho biết.
Theo người trồng tiêu, mỗi ha tiêu để thu hoạch xong cần khoảng 100-120 công. Để thu hoạch kịp trước khi tiêu rụng, cần hái liên tục trong vòng 10 ngày. Do đó, mỗi ngày một ha tiêu phải cần từ 10- 12 người thu hái. 
Chính vì yêu cầu thu hái gấp gáp nên nhu cầu thuê nhân công vào vụ là rất lớn. Cùng với việc cây tiêu "kén" người nên nhân công vốn khan hiếm lại càng khan hiếm hơn.
Một phần khác, những năm gần đây, lao động tại các địa phương tìm được công việc ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp, thu nhập ổn định nên số lao động nhàn rỗi, thời vụ giảm đi, khó thuê hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, hầu hết khi vào vụ người trồng tiêu đều có thể thuê được ít nhất 7 người hái. Thế nhưng năm nay, nhà nào may mắn cũng chỉ thuê được 4-5 người. Việc này đang khiến nông dân trồng tiêu vô cùng lo lắng. Vì khi tiêu chín sẽ rụng chuỗi hạt xuống gốc và rơi hạt ra đất, rất khó để nhặt lại hết.
Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho biết, hiện nay, nhân công thu hái là người tại chỗ ở địa phương không còn nhiều. Nhân công từ ngoài tỉnh đến địa phương làm thuê cũng không dồi dào như mọi năm nên lao động thu hái thiếu hụt hẳn. Tình trạng này sẽ tiếp tục đẩy giá nhân công hái tiêu tăng cao trong những ngày tới. Tuy nhiên, việc tăng tiền công có thể giúp nông dân tìm được người hái.
Theo ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tới thời điểm hiện tại, nông dân trên địa bàn chỉ mới thu hoạch được khoảng 50% diện tích hồ tiêu. Như vậy toàn tỉnh còn khoảng hơn 13.000 ha tiêu chưa được thu hoạch. Đây thực sự là một nỗi lo không nhỏ đối với nông dân.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)
https://danviet.vn/dak-lak-ho-tieu-chin-do-hat-rung-vung-vai-vua-thue-duoc-nguoi-hai-da-bi-nha-khac-nhom-ngo-20210323092812859.htm

Có thể bạn quan tâm