Hàng loạt vụ phá hoại cây trồng khiến người dân hoang mang, lo lắng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hành động phá hoại này là tội ác bởi nó đã gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân.
Sầu riêng nhà ông Lợi bị kẻ xấu đầu độc làm khô héo quả non
Gia đình chị H’Miôn Êban (buôn Cuôr Đăng, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lắk) bị kẻ xấu chặt phá hơn 10 gốc sầu riêng và cây mẫn cầu trồng hơn 1 năm. Chị H’ Miôn cho biết, rẫy nằm ở cuối buôn nên không biết kẻ xấu chặt phá, đến khi đi thăm phát hiện thì đã muộn. Nhà chị không có mâu thuẫn, xích mích với ai nên không biết thủ phạm ra tay vì lý do gì. Nhìn cây trồng đang phát triển tốt bỗng nhiên bị chặt phá, chị rất xót lòng. “Thấy cảnh như vậy, mình buồn lắm, mất ăn mất ngủ mấy ngày lận. Không riêng nhà mình, rẫy các hộ bên cũng bị chặt phá cây trồng. Gia đình đã trình báo chính quyền nhưng không tìm ra thủ phạm. Giờ nhà chỉ còn cách kiếm tiền đầu tư lại, lần này sẽ làm hàng rào thật chắc chắn”, chị H’ Miôn tâm sự.
Tương tự, vụ việc nhà chị H’Miôn chưa kịp lắng xuống thì dư luận bất bình khi hay tin vườn sầu riêng nhà chị Đoàn Thị Thanh Thủy (thôn Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Krông Búk) bị hại bằng cách đục lỗ ở gốc cây để bỏ thuốc độc. Chị Thủy cho hay, đi thăm vườn thì thấy nhiều cây sầu riêng đang ra trái bỗng chết cành, rụng hoa đồng loạt. Kiểm tra, có tất cả 12 gốc sầu riêng đang cho quả và khoảng 10 cây sầu riêng 3 năm tuổi bị đục lỗ bỏ thuốc ở gốc, cây cỏ xung quanh gốc cây cũng bị chết trụi. Vườn sầu riêng là nguồn thu chính nay bị phá hoại khiến gia đình chị rất hoang mang, lo lắng. Vườn sầu riêng nhà Nguyễn Công Lợi (ở thôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cũng bị kẻ xấu đầu độc làm cây bị khô quả, héo lá. Nhà anh Lợi có hơn 2 ha trồng xen cà phê, sầu riêng, hồ tiêu. Đầu tháng 4 vừa qua, anh bơm nước từ bể chứa tưới khoảng 60 cây sầu riêng. Mấy ngày sau, anh Lợi phát hiện sầu riêng bị khô héo, chết dần. Anh chợt nhớ lại lúc bơm nước tưới cây có thấy nước trong bể sủi bọt nhưng lại không để ý. Nghi ngờ có kẻ đã đổ thuốc độc vào bồn chứa nước để hại vườn cây, anh Lợi làm đơn trình báo cơ quan chức năng. Anh Lợi cho biết thêm, với 60 cây sầu riêng hạt lép có giá trị tới vài trăm triệu đồng nhưng nay bị khô héo, rụng quả gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho gia đình. Trong lúc chờ công an điều tra tìm ra thủ phạm, anh Lợi túc trực tại vườn bơm nước mong rửa bớt chất độc để cứu cây.
Theo tìm hiểu, tình trạng phá hoại cây trồng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra từ nhiều năm nay. Có vụ cơ quan công an điều tra tìm ra thủ phạm xử lý, song cũng nhiều vụ bị chìm vào lãng quên. Và nạn nhân là người nông dân rớt nước mắt, ngậm đắng nuốt cay gánh chịu thiệt hại từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Dư luận bức xúc cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh tay với những kẻ phá hoại cây trồng. Bởi vườn cây là nguồn sống, kế sinh nhai của người dân. Mất vườn cây là họ mất cả cơ nghiệp. Nên dù xuất phát từ nguyên nhân, mâu thuẫn cá nhân nào… cũng không thể chấp nhận hành vi “trả đũa” bằng thủ đoạn chặt phá cây trồng, làm vậy chẳng khác nào triệt đường sống của người khác.
Lê Nhuận (Dân Sinh)