TN - Đất & Người

Đắk Lắk: Sầu riêng được mùa, được giá, nông dân phấn khởi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay, sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk được mùa, sản lượng ước tính đạt trên 200.000 tấn trong khi giá cao gần gấp đôi so với năm ngoái (dao động từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg) nên nhiều nông dân bội thu.
Thu mua sầu riêng tại nhà vườn ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Thu mua sầu riêng tại nhà vườn ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Những ngày này, tại các nhà vườn, cơ sở thu mua sầu riêng tại các huyện Krông Pắc, Krông Búk, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… của tỉnh Đắk Lắk, không khí thu mua, vận chuyển sầu riêng rất nhộn nhịp. Năm nay, sầu riêng được mùa, được giá khiến nhiều nông dân bội thu.

Gia đình ông Hoàng Văn Hồng trồng 1ha sầu riêng từ năm 2016, sản lượng năm nay ước đạt 20-25 tấn. Ông Hồng chia sẻ giá năm nay cao gần gấp 2 lần so với mùa sầu riêng năm 2022. Thời tiết ủng hộ nên đa phần nông dân đạt năng suất, được mùa. Với giá bán tại vườn 83.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ông Hàn Ngọc Cẩn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết hợp tác xã có 84 thành viên tham gia, diện tích 120ha, sản lượng sầu riêng năm nay đạt khoảng 2.000 tấn, bình quân đạt 15-20 tấn/ha. Các thương lái, công ty đến thu mua khá đông, giá chốt đầu vụ dao động từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg khiến bà con rất phấn khởi.

Tại huyện Krông Pắc - nơi được xem như là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Đắk Lắk, hơn một tháng qua, xe container, xe tải nườm nượp ra vào vận chuyển, thu mua sầu riêng. Các dịch vụ ăn uống, chỗ ở, cho thuê mặt bằng, cho thuê sân bãi... cũng sôi động “ăn theo” mùa thu hoạch sầu riêng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pắc Nguyễn Huy Hoàng cho biết huyện hiện có 7.157ha trồng sầu riêng. Diện tích cho thu hoạch hơn 3.000ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn. Năm nay, hoạt động mua bán sôi nổi, tấp nập hơn các năm trước. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đến địa bàn thu mua nên mức độ cạnh tranh cao. Qua đánh giá, năm nay, diện tích, sản lượng, chất lượng sầu riêng tăng lên.

Kết quả này có được nhờ nông dân trên địa bàn huyện đề cao chất lượng sản phẩm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện hiện có gần 1.000ha được chứng nhận VietGAP. Vụ mùa bội thu kéo theo nhiều dịch vụ khác hưởng lợi.

Ủy ban Nhân dân huyện cũng tổ chức gặp mặt và đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh sầu riêng; tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm trong vụ mùa thu hoạch sầu riêng.

Bên cạnh các dịch vụ sôi động, nhu cầu về nhân công lao động trong vụ thu hoạch sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng cao. Đông lao động có thêm việc làm, thu nhập, vào guồng quay công việc khiến không khí vụ thu hoạch càng thêm nhộn nhịp, tấp nập.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Krông Pắc (huyện Krông Pắc), cho biết hợp tác xã đã liên kết với 248 hộ dân, diện tích 162ha, sản lượng sầu riêng năm nay ước đạt 3.000 tấn.

Mùa thu hoạch sầu riêng, hợp tác xã thuê hơn 100 nhân công/ngày, có ngày cao điểm đến 200 nhân công/ngày để làm các công việc như: thu hoạch, vận chuyển, vệ sinh trái sầu riêng, bóc múi... Hợp tác xã ưu tiên thuê lao động tại chỗ, người dân tộc thiểu số để bà con có công ăn việc làm, có thêm thu nhập.

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) những ngày này cũng tấp nập nhân công lao động. Người dán tem, người đóng thùng, người bốc vác, người vệ sinh trái sầu riêng...…

Mùa thu hoạch sầu riêng, trung bình mỗi ngày có 150 nhân công làm việc cho hợp tác xã, tiền lương từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/ngày tùy công việc. Đặc biệt, nhân công làm việc tại hợp tác xã có 80% người dân tộc thiểu số, 20% nhân công từ địa phương khác tới.

Chị H Bruih Niê, trú buôn Klar C, xã Ea Drơng, thị xã Buôn Hồ làm tại Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Cơ sở sản xuất Lan Tươi đã 5 năm nay. Vào chính mùa thu hoạch sầu riêng, chị đến cơ sở của hợp tác xã để làm các công việc sau thu hoạch, tiền lương 300.000 đồng/ngày. Mỗi mùa thu hoạch sầu riêng thường kéo dài 4 tháng, giúp gia đình chị có thêm thu nhập.

Một công việc lương cao trong mùa thu hoạch là “gõ” sầu riêng. Công việc là gõ vào trái sầu riêng để đoán độ già, non của trái, đòi hỏi độ chính xác nên thường là những người có kinh nghiệm, nhanh nhạy về thính giác và thị giác mới đáp ứng được. Nghề này thu hút nhiều nhân công lao động từ địa phương khác đến tỉnh Đắk Lắk làm việc trong mùa thu hoạch sầu riêng.

Anh Nguyễn Hữu Đức, sinh năm 1984, trú huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang làm nghề “gõ” sầu riêng khoảng 10 năm nay. Cách đây hơn 1 tháng, anh cùng nhiều bạn bè đến tỉnh Đắk Lắk để làm, đi khắp tỉnh “gõ” sầu riêng.

Hằng ngày, anh cùng các đội thu hái đến tận vườn, trèo cây, gõ từng trái sầu riêng để đoán độ già rồi cắt sầu riêng. Trung bình, tiền lương cho việc gõ sầu riêng là 2 triệu đồng/ngày.

Thiếu tá Lâm Quang Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự, Công an huyện Krông Pắc cho biết vụ mùa sầu riêng năm nay, trên địa bàn huyện có khoảng 2.000 lao động từ các tỉnh, thành khác về địa phương làm việc; hơn 300 xe container và 200 kho, xưởng hoạt động vận chuyển, thu mua và đóng gói sầu riêng.

Vụ mùa sầu riêng năm 2023 tại Đắk Lắk được mùa, được giá. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Vụ mùa sầu riêng năm 2023 tại Đắk Lắk được mùa, được giá. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Trước tình hình đó, đội đã chủ động thành lập tổ công tác bảo đảm an ninh trật tự mùa sầu riêng; tổ chức cho các chủ vựa, xưởng thu mua sầu riêng, tài xế ký cam kết chấp hành tốt các nội quy, quy định về an toàn giao thông.

Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các đội nghiệp vụ của Công an huyện kiểm tra việc sử dụng con dấu, đăng ký giấy phép kinh doanh tại vựa thu mua sầu riêng; công tác thực hiện đăng ký tạm trú của các chủ phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn…

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000ha sầu riêng, trong đó khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2023 ước tính đạt trên 200.000 tấn.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, cho biết theo phản ánh, việc mua bán giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã trong mùa thu hoạch sầu riêng năm 2023 diễn ra theo nhiều hình thức.

Một số doanh nghiệp đặt cọc mua sầu riêng với người dân cách thời điểm thu hoạch 1-3 tháng, số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng ước tại vườn. Đặc biệt, nhiều môi giới vào tận vườn người dân chốt giá cao đã một phần gây nhũng nhiễu thị trường.

Ngoài ra, sau khi được phê duyệt mã số vùng trồng, một số hộ dân đã chốt giá với doanh nghiệp ngay tại thời điểm cây sầu riêng bắt đầu ra hoa vì cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... chăm sóc cho vườn cây. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà vườn chờ đến thời điểm sầu riêng đủ độ tuổi để thu hoạch (130 ngày) mới chốt giá bán và bán cho doanh nghiệp liên kết.

Theo ghi nhận, giá thu mua sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang giảm nhẹ những ngày gần đây. Ngày 25/9, giá thu mua sầu riêng xô dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/kg tùy vườn. Giá thu mua sầu riêng quy cách hơn 80.000 đồng/kg đối với sầu riêng loại A, 65.000-67.000 đồng/kg đối với sầu riêng loại B...

Những đơn vị uy tín đã chốt giá, ký hợp đồng với người dân vẫn tiếp tục mua với giá cam kết hoặc có thỏa thuận, thương lượng để hợp tình hợp lý. Song nhìn chung, không khí vụ thu hoạch khá nhộn nhịp, tấp nập, đa số nông dân phấn khởi vì vụ mùa sầu riêng bội thu.

Có thể bạn quan tâm