TN - Đất & Người

Đắk Lắk thí điểm chăn thả voi nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đối với các quản tượng thả voi trong thời gian thí điểm chăn thả voi nhà phải có cam kết, chịu trách nhiệm chính nếu để voi của mình hủy hoại rừng.

Ngày 5-9, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị vừa phối hợp với Tổ chức động vật châu Á, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng (gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn voi) Đắk Lắk, Ban quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường hồ Lắk (viết tắt là BQLR hồ Lắk) khảo sát khu chăn thả voi nhà tại huyện Lắk.

Khảo sát khu vực để thí điểm chăn thả voi nhà

Hoạt động khảo sát khu chăn thả voi nhà được triển khai sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk ký kết với Tổ chức động vật châu Á trong việc thực hiện du lịch thân thiện, hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi, góp phần bảo tồn voi nhà tại hai huyện Buôn Đôn và Lắk.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện nay chỉ mới khảo sát để lựa chọn các vị trí chăn thả phù hợp nhất, rồi mới báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương, thủ tục để thực hiện.

Qua nhiều đợt khảo sát, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nhận thấy lâm phần của BQLR hồ Lắk là phù hợp với việc lựa chọn khu vực chăn thả voi nhà tại huyện Lắk.

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức động vật châu Á chọn vị trí đang được BQLR hồ Lắk giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ gia đình với nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng nên không thể quy hoạch làm khu chăn thả voi nhà như đề xuất được.

Do vậy, Sở NN&PTNT đề nghị Tổ chức động vật châu Á và các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát xác định phạm vi, quy mô khu vực rừng, đất rừng liền kề còn lại chưa có kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng tại Tiểu khu 1337 (giáp sông Krông Na) để làm khu chăn thả voi tại huyện Lắk.

Voi Khăm Sen trong mô hình du lịch thân thiện. Ảnh: YV

Voi Khăm Sen trong mô hình du lịch thân thiện. Ảnh: YV

Nếu kết quả thí điểm đảm bảo phúc lợi cho voi nhà và diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt thì đề xuất BQLR hồ Lắk bổ sung nội dung này vào phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 và trình phê duyệt theo Thông tư 28.

Sở NN&PTNT lưu ý các nài voi, trong thời gian thí điểm phải có cam kết và trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tại vị trí thả voi nhà. Đồng thời, chịu trách nhiệm chính khi để voi của mình phá, hủy hoại rừng.

BQLR hồ Lắk có quyền chấm dứt, cho phép nài voi thả voi nhà vào lâm phần của đơn vị trước thời hạn kết thúc thí điểm, nếu để rừng bị xâm hại.

Nài voi chịu trách nhịêm chính khi để voi phá rừng

Ông Y Vinh Êung (38 tuổi, ngụ buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), người đang sở hữu voi nhà có tên Khăm Sen (28 tuổi) cho biết cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk khảo sát vị trí chăn thả voi mà không hề thông báo cho các quản tượng tham gia.

“Khăm Sen là một phần máu thịt của gia đình tôi suốt gần 30 năm qua, chúng tôi chưa hề xa rời nhau. Vì vậy, đặc tính của voi nhà hơn ai hết chúng tôi đều nắm rõ. Khi đưa voi về với rừng, nó phải tự đi kiếm ăn. Trong khi diện tích rừng thì mênh mông, ai mà quản lý được. Theo cách xử lý của Sở NN&PTNT thì nếu voi ăn cây rừng, đồng nghĩa với việc chủ nhà bị quy vào việc phá rừng và sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại rừng” - ông Y Vinh Êung cho hay.

Voi phục vụ khách du lịch ở Khu du lịch Ánh Dương. Ảnh: VL

Voi phục vụ khách du lịch ở Khu du lịch Ánh Dương. Ảnh: VL

Còn ông Đàng Năng Long (ngụ buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) cũng cho biết cá nhân ông ủng hộ chủ trương du lịch thân thiện với voi. Tuy nhiên, thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk và cả Tổ chức động vật châu Á tổ chức nhiều hội nghị liên quan đến mô hình cưỡi voi thân thiện nhưng không mời các nài voi tham dự. Vì vậy, người dân chưa biết nội dung, mục tiêu là gì.

“Voi có thể ăn hơn 100 loài thức ăn gồm củ, quả, lá, cành… trong rừng và hành vi của voi không thể có ý thức như con người được. Ngoài ra, voi cũng có thể húc đổ những cây cổ thụ rồi ăn rễ ở phía dưới để tồn tại.

Hồi còn nhỏ, tôi từng theo bố vào rừng Tây Nguyên để săn voi. Tôi chứng kiến có những cây cổ thụ bị voi húc đổ chỉ để ăn phần thân rễ phía dưới, vì nơi này nhiều chất muối khoáng. Thậm chí, voi dù đã ăn no nê, nó vẫn đào tìm những cây rừng để ăn tiếp, chữa bệnh. Đó là bản năng sinh tồn của voi. Nếu cho mượn rừng để thả voi nhưng cam kết không để hư hỏng cây rừng nào thì là điều không thể. Chẳng khác gì là đánh đố nhau” - ông Đàng Năng Long cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ ông mới đi khảo sát, thống nhất tìm nơi chăn thả voi nhưng chưa chốt được phương án cuối cùng. Theo ông Hưng, cũng vì lý do quy trách nhiệm cho quản tượng nếu để voi phá rừng nên cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát vùng khác, không thuộc vùng đất giao khoán. “Hiện khu vực chăn thả voi đang được điều chỉnh lại” - ông Hưng cho hay.

Vẫn còn “bóc lột” voi

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết đàn voi nhà của tỉnh hiện có 36 con, trong đó có sáu con đã được giải cứu theo mô hình voi thân thiện để thả vào Vườn quốc gia Yok Đôn, trong đó phần lớn voi đã lớn tuổi. Từ năm 2016 đến 2020, đã có ba voi cái mang thai và sinh sản. Tuy nhiên, cả ba voi con đều chết sau khi sinh. Nguyên nhân là do các voi mẹ đều đã lớn tuổi và sinh con lần đầu dẫn đến khó sinh.

Hiện nay, một số khu du lịch vẫn còn thực hiện mô hình bắt voi phục vụ khách du lịch như ở Khu du lịch Ánh Dương của Công ty cổ phần Ánh Dương VN (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), du khách phải trả 400.000 đồng cho mỗi lần cưỡi voi trong 15 phút.

Có thể bạn quan tâm