Đắk Lắk là ‘thủ phủ’ voi của cả nước với số lượng hơn 140 con (cả voi hoang dã lẫn voi nhà). Tuy vậy, số lượng voi “bảo mẫu” ở tỉnh này đang ở mức báo động, ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn và cải thiện số lượng đàn voi của tỉnh này...
Nhiều năm qua, voi chủ yếu được người dân các tỉnh Tây Nguyên khai thác để làm du lịch. Ảnh: P.V |
Báo động đỏ
Thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk cho thấy, hiện còn 44 cá thể voi nhà, trong đó có 25 voi cái, 8 con trong độ tuổi sinh sản đang được dùng để phát triển số lượng voi. Trong những năm vừa qua, số lượng cá thể voi giảm sút chủ yếu do tuổi cao, trong khi lượng voi sinh sản còn rất hạn chế.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc voi cái “bảo mẫu” H’Băn mới qua đời hồi đầu tháng 12 đã đẩy số lượng voi “bảo mẫu” của tỉnh rơi vào tình trạng báo động đỏ. Hiện toàn tỉnh chỉ còn đúng 3 con voi có khả năng làm voi “bảo mẫu”. Những năm gần đây, nhiều chủ voi trong tỉnh đã khai thác voi làm du lịch khá nhiều khiến chúng nhanh xuống sức. Bên cạnh đó, cảnh quan tự nhiên, môi trường sống bị thu hẹp làm khả năng sinh sản của voi bị ảnh hưởng. Tâm lý loài voi cũng giống như người, muốn sinh sản cũng cần có điều kiện tự nhiên phù hợp nếu không phải xác định ngày rụng trứng để cho voi đực vào giao phối mới có thể mong nó thụ thai.
Anh Y winh Êung - dân tộc M’nông R’lâm (ngụ huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) - có kinh nghiệm nuôi voi hơn 20 năm và biết được nhiều tập tính của loài động vật này. Anh nói, voi “bảo mẫu” được hiểu nôm na đó là voi đã sinh sản ít nhất một lần và sẽ được dùng để dìu dắt con voi cái khác đang trong thời kỳ thai sản (lần đầu mang thai) vượt qua những vấn đề về tâm lý. Nếu không có một con voi “bảo mẫu” đã có kinh nghiệm trong sinh sản hỗ trợ, dìu dắt, voi cái trong giai đoạn mang thai sẽ gặp rất nhiều vấn đề tâm lý. Nghiêm trọng nhất là cả mẹ cả con có thể qua đời sau khi sinh... Hiện, trên địa bàn huyện Lắk còn 3 con voi bảo mẫu và 5 con đang trong độ tuổi sinh sản, cao nhất trong toàn tỉnh.
Nỗ lực bảo tồn và gia tăng cá thể voi
Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - thông tin: “Trước tình trạng trên, chúng tôi đang làm mọi cách để bảo tồn đàn voi và gia tăng số lượng cá thể voi mới. Trước đó, đơn vị đã lên kế hoạch xây dựng một nơi bảo tồn sinh cảnh sống cho voi hoang dã với mục tiêu ổn định được nơi cư trú, sinh sống của voi trong những cánh rừng tự nhiên. Cách làm này để giúp voi có tâm lý thoải mái, tránh việc đến đất rừng, rẫy của nhân dân phá hoại”.
Hiện, sau nhiều lần được nghe chính quyền sở tại tư vấn, khuyến cáo, nhiều chủ voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã hạn chế việc khai thác voi nhà để làm du lịch, 1 tháng chỉ làm một vài ngày để đảm bảo sức khỏe cho voi… Tại Đắk Lắk, từ năm 2011 đến nay, đã không còn tình trạng săn bắn voi để lấy ngà hoặc thịt, số lượng voi chết do bệnh tật cũng đã giảm đáng kể. Đặc biệt, giới chức tỉnh này cũng nghiêm cấm việc đưa voi ra bên ngoài tỉnh.
Trung tâm Bảo tồn voi đang nghiên cứu đề tài “Đánh giá khả năng sinh sản voi thuần dưỡng tại tỉnh Đắk Lắk” với mục đích sớm đưa vào áp dụng trong thực tiễn để gia tăng số lượng cá thể voi. Bên cạnh đó, các tổ chức bảo vệ động hoang dã trên thế giới trong thời gian qua cũng đã chung tay giúp đỡ tỉnh này một lượng kinh phí đáng kể để bảo tồn loài voi.
Theo BẢO TRUNG (Báo Lao Động)